Gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua đường giá đắt hay rẻ?

(Dân trí) - Từ nhiều thập kỷ nay, ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh dưới nhiều hình thức từ buôn lậu đến gian lận thương mại được tiến hành một cách tinh vi.

Hơn 2 triệu lao động, nông dân sống bằng nghề trồng mía có rơi vào tình cảnh bấp bênh khi không có cơ hội cạnh tranh bình đẳng?

Mía đường trong nước đã vượt khó thành công…

Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, gian lận thương mại, đường lậu đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài.

Và nghiêm trọng hơn, trong hai năm vừa qua việc buôn lậu, gian lận thương mại quy mô lớn, trắng trợn, công khai đã khiến cho một phần ba các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì thay thế.

Gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua đường giá đắt hay rẻ? - 1
Nhà máy được đầu tư thiết bị hiện đại tiệm cận với các nhà máy khác trên thế giới, nhập từ nước ngoài về Việt Nam như Đức, Ấn Độ... đầu tư nâng cấp nhà máy hàng nghìn tỉ đồng cho công nghệ, lẫn các chuyên viên tư vấn nước ngoài về.

Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ".

Thị trường của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng và khách hàng chế biến công nghiệp sẽ phải mua đường với giá đắt đỏ hay giá rẻ?

Trong khi đó, ngành mía đường Việt Nam thực chất đã vươn lên đạt năng lực sản xuất tiệm cận thế giới, trong khi thiên nhiên không hề ưu đãi cho ngành này. Xuất phát điểm khó khăn và hoàn cảnh bất khả thi về cơ giới hoá, công nghiệp hoá toàn diện là thế nhưng năng suất mía của người nông dân Việt Nam đạt bình quân 65 tấn/ha so với 68-70 tấn/ha của Thái Lan là rất đáng ghi nhận và khen ngợi. Cây mía trở thành một cây trồng xoá đói giảm nghèo tại nhiều địa phương đặc biệt khó khăn, thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, chỉ trông chờ vào “nước trời”.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, 10 năm qua ngành mía đường đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để cải tiến máy móc công nghệ nhằm đón đầu hội nhập. Đến nay, hầu hết các nhà máy đường trong nước đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động và đạt tầm quốc tế.

Nói ngành mía đường Việt Nam yếu kém, nhưng trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, giá đường của chúng ta cạnh tranh hơn tất cả các quốc gia, trừ Thái Lan. Và nhìn rộng ra tầm thế giới, chúng ta cũng chỉ thua các cường quốc về mía đường như Brazil do họ có quá nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi.

Tại sao đứng trước nguy cơ “chết tức tưởi”?

Trước năm 90, Việt Nam phải nhập khẩu cả tỷ USD đường để phục vụ cho tiêu dùng. Nhưng khi có 44 nhà máy với hơn một triệu tấn đường theo chương trình của Chính phủ đã đáp ứng nhu cầu cho xã hội, không phải nhập khẩu, nhập siêu, tiết kiệm được tiền cho Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành mía đường đưa cây mía vào vùng sâu vùng xa, biên giới, không đường giao thông, mở đường cho nông dân trồng mía; đảm bảo giá mía đảm bảo cuộc sống cho nông dân.

Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp, là xu thế tất yếu. Tuy nhiên tiến trình hội nhập cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp. Rõ ràng, ngành mía đường đã vượt khó thành công, vậy tại sao lại đứng trước nguy cơ “chết tức tưởi”?

Trong buổi tọa đàm “Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập?” do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức vào tháng 6 vừa qua, ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện tỉnh Trà Vinh có khoảng 4.500 - 5.000ha diện tích đất trồng mía đường. Thời gian qua, đời sống của người dân và công ty mía đường phát triển rất tốt và là một trong ngành mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn. Từ 4.500ha giảm xuống còn 3.500ha, điều này khiến nguyên liệu cung cấp cho nhà máy trên địa bàn tỉnh giảm nên phải nhập của các nơi khác.

Gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua đường giá đắt hay rẻ? - 2
Bà con nông dân làm giàu từ cây mía nhưng giờ trở thành hộ tái nghèo. Một số nông dân đã dùng đất trồng mía để đào ao nuôi cá lóc nhưng lại bấp bênh, nhiều rủi ro và không thể quay lại trồng mía.

Hiện chi phí đầu tư của bà con với mỗi 1.000m2 gồm chi phí chăm sóc, phân bón khoảng 7 triệu đồng nhưng với giá bán 800 đồng thì chỉ được khoảng 3-4 triệu nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Hiện bà con nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều hộ phải cầm cố đất đai. Thậm chí có tình trạng người dân đã bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, nhưng việc này không hề đơn giản.

Đừng để rơi vào “bẫy hội nhập” rồi mới bàn

Cũng trong buổi tọa đàm “Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập?” do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức vào tháng 6 vừa qua, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta thường để rơi vào bẫy rồi mới làm, mới bàn để tìm giải pháp. Ngành mía đường cũng tương tự, chỉ còn 6 tháng nữa mới lôi ra mổ xẻ, liệu còn kịp? Mía đường là ngành quan trọng, không chỉ với nông nghiệp, nông dân.

Gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua đường giá đắt hay rẻ? - 3
Gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua đường giá đắt hay rẻ? - 4

"Cụ thể, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn này, các cơ quan chức năng nên xem xét tạo điều kiện 05 năm cho các nhà máy đường Việt Nam cùng nông dân khôi phục lại vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất và an sinh xã hội địa phương, tái cân bằng vị thế. 05 năm là khoảng thời gian để khôi phục cây mía, đảm bảo sinh kế cho nông dân", ông Đặng Việt Anh nêu quan điểm.

PV