Ford thua lỗ hàng chục tỷ USD, vì sao vẫn chưa “chết”?

(Dân trí) - Năm 2006, Ford Motors báo lỗ 12,7 tỷ USD. Tương lai 2007 dự đoán còn thâm thủng nặng hơn. Vậy tại sao Ford vẫn chưa phá sản? Rốt cuộc những món tiền khổng lồ bù đắp thua lỗ ấy từ đâu ra?

Xét trên nhiều phương diện, tài chính doanh nghiệp cũng chẳng khác việc quản lý ngân sách gia đình là mấy. Có chăng chỉ là những con số lớn hơn hàng nghìn, hàng triệu lần. Vậy thì để cho đơn giản hơn, hãy tưởng tượng Ford là 1 doanh nhân người Mỹ trung niên - tên là Otto Mayker chẳng hạn. Otto hiện đang ngồi bên bàn ăn, vò đầu bứt tóc xem năm qua mình đã chi tiêu như thế nào.

 

Otto có công việc kinh doanh ổn định, thu nhập tốt, ai cũng phải công nhận như vậy. Nhưng dạo gần đây, anh thường xuyên bị mất hợp đồng vào tay các đối thủ cạnh tranh nhỏ tuổi hơn ở nước ngoài; việc đó khiến bổng lộc của anh đôi phần sa sút.

 

Mấy năm qua Otto an hưởng cảnh sống khá dư dả: thu nhập của anh tăng đều đặn từ 165.000 USD năm 2003 lên tới 177.000 USD năm 2005 (thêm 6 con số vào sau thì ra thu nhập của Ford). Năm 2006 vừa qua việc làm ăn không suôn sẻ cho lắm: anh chỉ thu về được 160 ngàn; trong khi đó các khoản chi tiêu khác như đóng thuế, chi phí ăn ở, điện nước... lại gần như không đổi. Vậy là trong năm 2006, Otto đã tiêu lạm chi khoảng 12.700 USD.

 

Gia đình Otto bắt đầu chiến lược cắt giảm các khoản tiêu pha (Ford cũng thế): hai vợ chồng tạm biệt thói quen ăn nhà hàng, hoãn lại kế hoạch mua TV plasma, ngay cả việc lau dọn cắt cỏ hàng tuần cũng không thuê người làm nữa - Otto tự làm lấy.

 

Biết trước việc kinh doanh sẽ có lúc lên lúc xuống, Otto đã tự tiết kiệm một khoản khá đề phòng bất trắc sau này. Do vậy dù năm ngoái làm ăn thua lỗ, anh vẫn có trong tay 34.000 ngàn dưới dạng tiền mặt, trái phiếu và các khoản đầu tư khác (giống như Ford) để thanh toán nhanh chi phí, nợ nần. Gần đây anh còn đưa nhà ra thế chấp lần thứ 2 (còn Ford thế chấp nhà máy). Trong trường hợp xấu nhất, Otto vẫn có khả năng vay tiền ngân hàng, mặc dù xét tình trạng tài chính kém khả quan như vậy anh sẽ phải chịu lãi suất cao hơn (năm qua chi phí vay nợ của Ford cũng tăng do mất điểm tin cậy trong đánh giá tín dụng).

 

Đây không phải lần đầu tiên công việc làm ăn của Otto rơi vào cảnh sa sút. Năm 1992 - sau thời điểm suy thoái của nền kinh tế Mỹ - anh cũng đã chịu lỗ tới 8.000 USD, nhưng rốt cuộc mọi việc cũng êm xuôi. Trong thâm tâm giờ đây, Otto lo lắng nhưng chưa đến mức hoảng loạn.

 

Ấy vậy mà hàng xóm lại cứ nhìn anh với ánh mắt e ngại. Bạn bè trong công ty thì nói anh đang lạm chi ở mức cao nhất trong 103 năm qua. Thực tình thì so với năm 1904 - có tính kèm mức tăng lạm phát - thì khoản lỗ 12.700 USD vẫn chưa phải cái gì quá kinh hoàng.

 

Dù vậy cũng không thể phủ nhận, con số đó đáng báo động và không thể duy trì lâu. Giải pháp bù lỗ bằng tiền dành dụm chỉ giúp cầm cự trong thời gian trước mắt. Chiến lược cắt giảm chi phí cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Quan trọng nhất với Ford hiện giờ là việc: làm sao cho xuất xưởng những chiếc xe với giá cạnh tranh, được thị trường đón nhận.

 

Chính sách “tiêu để tiết kiệm”

 

Giả dụ Otto mua lò sưởi công suất cao hơn, lắp cửa sổ cách nhiệt loại mới tốt hơn, sửa sang lại mái tầng thượng...., đảm bảo hóa đơn tiền điện sưởi ấm trong tháng sẽ bớt đi nhiều. Về lâu dài, tình trạng tài chính của Otto sẽ được cải thiện nhờ các khoản cắt giảm chi tiêu như thế. (Cũng nên nhớ, đây là chi phí 1 lần, theo nguyên tắc không được tính vào ngân sách chi tiêu hàng tháng).

 

Với trường hợp của Ford, chính những khoản đầu tư nâng cấp lâu dài như vậy đã góp phần làm nên con số thâm thủng khổng lồ. Trong 12,7 tỷ báo lỗ năm 2006 thì đến 10 tỷ được chi vào những đầu mục được gọi là “khoản chi đặc biệt” - chi phí đóng cửa nhà máy, sa thải nhân công hàng loạt, trợ cấp tạm thời...

 

Và đây mới chính là điểm khác biệt giữa tài chính doanh nghiệp và sổ sách chi tiêu hộ gia đình.

 

Giả dụ cách đây 3 năm, Otto mua một “con” Ford Explorer mới toanh với giá 26.000 USD, nhưng nay trị giá của nó chỉ còn 17 ngàn. Vậy là vô hình chung mỗi năm anh mất toi 3.000 USD cho chiếc xe đang sử dụng. Nhình chung, cá nhân và hộ gia đình thường không quan tâm đến việc xác định lại giá trị hao hụt của tài sản, vì làm như thế cũng chẳng lợi gì thêm trong việc đóng thuế.

 

Các doanh nghiệp thì khác: họ được phép khấu trừ tiền thuế trên giá trị hao hụt, chính vì thế họ theo dõi rất tỉ mỉ trị giá tài sản hàng năm của mình. Năm qua, Ford công bố “hao mòn tài sản cố định” chiếm 3,8 tỷ USD trong tổng lỗ trước thuế.

 

Khôi Vinh

Theo MSNBC