FDI có tạo ra sự bất bình đẳng thu nhập?

Việc gia nhập WTO sẽ dẫn đến một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào nền kinh tế nước ta. Trước viễn cảnh này, một câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là liệu làn sóng FDI này có làm cho người giàu giàu hơn, còn người nghèo thì nghèo hơn?

Cải cách kinh tế ở VN được nhìn nhận rộng rãi như một thành công lớn. GDP bình quân đầu người đã tăng với tốc độ hơn 5% trong suốt hơn hai thập kỷ qua, góp phần làm giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo xuống hơn một nửa trong thời gian này.

Tuy vậy, cải cách cũng dẫn đến một kết quả tất yếu là khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng tăng, tuy với tốc độ và mức độ chưa đến mức báo động (chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa nhóm người giàu và nhóm người nghèo tăng từ 4,6 lần năm 1993 lên 5,5 lần năm 1998, và còn cao hơn nữa trong những năm gần đây).

Số liệu thống kê cũng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các doanh nghiệp FDI trong việc tạo ra việc làm mới trong hai thập kỷ qua, đặc biệt trong những năm gần đây.

Trong giai đoạn 2000-2005, việc làm mới được tạo ra bởi các doanh nghiệp FDI tăng trung bình 24,4%/năm (tăng gần gấp ba lần về mặt tuyệt đối, từ 227.000 người năm 2000 lên 667.000 người năm 2005), bỏ xa khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân (lần lượt là 3,3% và 2,3%). Kết quả là tỷ trọng việc làm được tạo ra bởi các doanh nghiệp FDI đã tăng từ 0,6% năm 2000 lên 1,6% năm 2005 ở VN.

Tuy con số này còn rất khiêm tốn nhưng với đà tăng trưởng nhanh như vậy, đặc biệt là sau khi VN gia nhập WTO, triển vọng việc làm được tạo ra bởi thành phần kinh tế này khá sáng sủa.

Trong tương lai, thành phần này sẽ đuổi kịp thành phần kinh tế nhà nước về mặt thu hút lao động (năm 2005, doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng 9,7% và doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng 88,8% trong tổng lực lượng lao động).

Về mặt tuyển mộ và sa thải lao động, cũng như đặt ra mức lương, khu vực kinh tế nhà nước vẫn còn chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định của Nhà nước. Do đó, một mặt, tăng trưởng trong khu vực kinh tế phi quốc doanh chắc chắn sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho lực lượng lao động dư thừa ở khu vực thành thị.

Mặt khác, khu vực phi quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn sẽ cho phép họ tuyển mộ được (hay cạnh tranh để thu hút) những nhân viên ưu tú từ các doanh nghiệp nhà nước.

Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của các doanh nghiệp nhà nước, tạo thêm nhiều doanh nghiệp thua lỗ, và do đó, làm gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng ở thành thị.

Số liệu công bố qua các cuộc điều tra gần đây về tiền lương cho thấy các doanh nghiệp FDI đang thắng thế trong cạnh tranh thu hút nhân lực cấp cao, như các chức danh quản lý doanh nghiệp.

Mức lương trả cho lao động quản lý trong các doanh nghiệp FDI trung bình là 12 triệu đồng/tháng (năm 2005), cao hơn nhiều so với mức lương tương ứng ở các doanh nghiệp nhà nước (4,3 triệu) và doanh nghiệp tư nhân (3 triệu).

Nếu tính bình quân lương tháng của toàn bộ lao động trong doanh nghiệp qua các cuộc khảo sát tiền lương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành từ đầu thập kỷ này thì người lao động trong doanh nghiệp FDI vẫn được hưởng mức lương cao hơn so với ở các doanh nghiệp trong nước khác (thấp nhất là ở doanh nghiệp tư nhân).

Số liệu từ các cuộc khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp nhà nước có năng suất thấp so với các doanh nghiệp khác, đặc biệt so với doanh nghiệp FDI.

Theo một báo cáo của Mekong Economics năm 2002, một lao động trong doanh nghiệp FDI tạo ra 110 triệu đồng giá trị gia tăng năm 2000, so với 36 triệu đồng ở doanh nghiệp nhà nước và 40 triệu đồng ở doanh nghiệp tư nhân.

Nếu xét về chỉ tiêu kinh doanh khác như tỷ suất lợi nhuận/tiền lương mà Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tiến hành năm 2005 thì kết quả cũng tương tự, với con số 1,1 ở doanh nghiệp FDI, 0,3 ở doanh nghiệp nhà nước, và 0,5 ở doanh nghiệp tư nhân.

Qua các con số minh họa trên, có thể nói là lao động ở các doanh nghiệp FDI có năng suất lao động và tiền lương cao hơn lao động ở doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp FDI đã trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước trên thị trường lao động, đặc biệt là lao động có trình độ.

Bởi vậy, trong ngắn hạn, làn sóng FDI sau khi VN gia nhập WTO có thể làm tăng sự bất bình đẳng về thu nhập không chỉ ở khu vực thành thị, mà cả giữa khu vực thành thị và nông thôn. Mức lương cao hơn ở khu vực thành thị sẽ kích thích làn sóng nhập cư từ nông thôn, trong khi thu nhập của lao động ở nông thôn không được cải thiện.

Tất nhiên, giải pháp khắc phục hậu quả tiêu cực của FDI lên việc làm và thu nhập ở các khu vực kinh tế khác không phải là ngăn chặn FDI, mà là cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực này.

Và để góp phần làm giảm sự bất bình đẳng trong khu vực thành thị, có lẽ cần phải phát triển được một thị trường lao động thành thị hữu hiệu để thu hút lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu và mở cửa nền kinh tế.

Theo TS. Phan Minh Ngọc
(Đại học Kyushu, Nhật Bản)
Thời báo Kinh tế Sài Gòn