Tổng Thanh tra Chính phủ:
"EVN vay lại 2.300 tỷ đồng từ PPC với lãi suất đắt gấp 8 là bình thường!"
(Dân trí) - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định, 595 tỷ đồng đầu tư của EVN liên quan đến xây dựng biệt thự, hồ bơi, sân tennis không phải đều đưa vào giá điện hoàn toàn. Vẫn còn 5/6 dự án chưa quyết toán.
Tại chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 26/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh một lần nữa đã trao đổi về việc vay qua vay lại giữa EVN và Nhiệt điện Phả Lại. Vấn đề này từng được đưa ra "mổ xẻ" tại cuộc họp tổng kết Thanh tra Chính phủ (TTCP) hôm 10/1 vừa rồi.
Theo đó, EVN cho nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) vay với lãi suất thấp rồi lại vay lại chính từ PPC với lãi suất cao gấp 8 lần lãi suất cho vay. Người dân lo ngại chi phí lãi vay này sẽ “bổ” lên đầu người tiêu dùng.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, EVN đã vay 2.300 tỷ đồng - được xác định là vốn tạm nhàn rỗi của PPC. Do vậy, hoạt động này không phải là hoạt động tín dụng mà là huy động nội lực trong Tập đoàn. EVN thực hiện nghiệp vụ này là hết sức bình thường, và đồng thời cũng là góp phần cho việc đầu tư vào ngành điện, lãnh đạo TTCP cho biết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Đang tuyên án Huyền Như và đồng phạm |
TTCP đã xem xét và thấy rằng, trong hoạt động này không vi phạm pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ không vi phạm hoạt động tín dụng. Do vậy không đưa vào kết luận vi phạm của EVN.
Trước đó, theo giải thích của ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, Vốn vay để xây dựng Nhiệt điện Phả lại là Chính phủ Việt Nam vay ODA của Nhật Bản lãi suất thấp và thực hiện thông quá EVN. Khi PPC được cổ phần hóa, thì về mặt pháp lý, EVN phải cho công ty này vay lại để thu hồi nộp lại cho Bộ Tài chính.
Do hoạt động sản xuất kinh doanh của PPC có lãi lớn, trong khi tời gian trả nợ được kéo dài theo ODA nên dư vốn khấu hao chưa dùng hết, PPC được quyền gửi lãi suất cao cho ngân hàng hoặc cho các doanh nghiệp vay lại.
Ông Tri cũng cho biết, EVN được phép huy động vốn từ các công ty con với lãi suất thỏa thuận, tuy nhiên, theo khẳng định của ông Tri ở thời điểm đó thì mức lãi suất này vẫn rẻ hơn đi vay ngân hàng. Vốn vay PPC là để EVN đầu tư vào các dự án cấp bách của tập đoàn.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của PPC năm 2013, tại thời điểm 30/6/2013, PPC vẫn đang còn khoản cho vay đối với EVN là 2.350 tỷ đồng, trong khi đó, vay EVN 5.921,4 tỷ đồng. (Hiện tại PPC chưa có báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét của cả năm 2013).
Nửa đầu năm 2013, PPC bù trừ gốc vay và khoản phải thu với EVN 223,6 tỷ đồng, chi phí lãi vay phải trả EVN là 82,6 tỷ đồng. Đồng thời, thu nhập lãi của PPC từ cho vay EVN lên tới 142,3 tỷ đồng.
Thuyết minh BCTC của PPC cho biết, khoản vay trên 5.900 tỷ đối với EVN được thực hiện bằng đồng Yên theo Hợp đồng ngày 30/11/2006 về việc EVN cho công ty vay lại nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2.
Khoản vay này bắt đầu được ghi nhận tại thời điểm bàn giao vốn Nhà nước cho Công ty cổ phần là ngày 26/12/2006. Thời hạn cho vay lại là 22 năm 6 tháng, gốc vay và lãi vay được trả mỗi năm hai kỳ vào ngày 20/3 và 20/9 hàng năm với số tiền gốc bằng nhau cho mỗi kỳ là 1,1 tỷ Yên. Kỳ trả nợ gốc đầu tiên vào ngày 20/3/2006 và kỳ cuối cùng vào 20/3 năm 2028. Lãi suất vay là lãi suất cho vay lại của Bộ Tài chính theo từng hiệp định vay vốn được thông báo bởi Bộ Tài chính (bao gồm lãi suất cho vay của JBIC và phí quản lý khoản vay của Bộ Tài chính).
Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay theo từng hiệp định là 2,43%/năm, phí cho vay lại của EVN là 0,2%/năm. Khoản vay này được Bộ Tài chính bảo lãnh với JBIC và không có tài sản đảm bảo.
Ở chiều ngược lại, PPC cho EVN vay 350 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Hợp đồng có thời hạn 15 năm và số tiền cho vay được hình thành do bù trừ khoản phải thu của PPC với Công ty Mua bán điện. Phần còn lại là EVN huy động vốn từ PPC.
EVN đầu tư ngoài công ty mẹ vượt vốn điều lệ 45.000 tỷ đồng là không sai quy định
Theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, trong quá trình thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TTCP đã làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đầu tư ngoài công ty mẹ.
Cụ thể, số tiền mà EVN đã đầu tư ra ngoài công ty mẹ là 121.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 45.000 tỷ đồng. Ông Tranh khẳng định, việc đầu tư này, về mặt pháp luật là không sai quy định vì Nhà nước vẫn cho phép các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc đầu tư ngoài công ty mẹ có thể dẫn tới nhiều hệ quả.
Thứ nhất là làm phân tán nguồn vốn, đầu tư không tập trung vào ngành nghề chính. Thứ hai, hệ số tỷ suất lợi nhuận ngoài công ty mẹ, ngoài ngành nghề chính là thấp.
Sau khi có kết luận thanh tra của TTCP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và EVN phải tiến hành chấn chỉnh, đồng thời tập trung đầu tư vào ngành nghề chính để mang lại vốn cho ngành điện, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về câu hỏi liên quan đến việc EVN đưa 600 tỷ đồng xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… vào giá điện, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu rõ 6 dự án đầu tư của EVN là nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các công trình phúc lợi như sân tennis, bể bơi và các công trình thể thao khác.
“Chúng tôi phân tích 6 dự án này thì con số chính xác là 595 tỷ đồng. Sau khi thanh tra kết luận, rõ ràng có 1 dự án trên 60 tỷ đồng là đã đưa vào giá thành để tính giá bán điện. Còn lại 5 dự án thì đang xây dựng và đưa vào sử dụng”, Tổng Thanh tra nói.
Sau kết luận thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công thương và EVN phải rà soát, điều chỉnh lại, nội dung nào, khoản đầu tư nào được phép thì sẽ đưa vào giá thành tính giá bán điện, còn nội dung nào không được đưa vào giá thành thì sẽ tính vào quỹ phúc lợi.
Lãnh đạo TTCP nhấn mạnh, kết luận của cơ quan này không có nghĩa là toàn bộ 595 tỷ đầu tư của EVN nói trên đều được hạch toán toàn bộ vào giá điện. Hiện nay, còn 5 dự án chưa quyết toán. Trong quá trình quyết toán sẽ loại ra những hạng mục không phù hợp, không được vào đưa giá thành.
Bích Diệp