EVN rất muốn có thị trường điện cạnh tranh...

(Dân trí) - Thời điểm thực hiện giá điện mới đã cận kề, người dân không khỏi băn khoăn cho việc cung cấp điện tới đây sẽ thế nào, chất lượng ra sao… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chia sẻ xung quanh vấn đề này.

EVN rất muốn có thị trường điện cạnh tranh... - 1
EVN rất muốn có thị trường điện.
 
Xin ông cho biết, việc triển khai giá điện mới có ảnh hưởng thế nào tới đời sống của người dân và nền kinh tế trong nước đang có nhiều khó khăn như hiện nay?
 
Nếu nói tăng giá điện khiến cho kinh tế kém phát triển là không đúng. Xét về mặt tổng thể xã hội, giá điện mới phải có lợi ích thì Chính phủ mới ban hành.
 
Chúng ta phải xác định chính sách giá điện mới này nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, tích luỹ nguồn điện ổn định an toàn và có chất lượng điện tốt hơn. Vì vậy về mặt tổng thể, nó sẽ thúc đẩy để phát triển hạ tầng cho ngành.
 
Đối với đời sống của người dân, nhiều người cho rằng, người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Có thể trước mắt thì như vậy nhưng về lâu dài chúng ta sẽ có đủ điện với chất lượng điện tốt hơn, do đó đời sống người dân sẽ tốt hơn.
 
Đối với những người dân đồng bào vùng sâu, vùng xa, ngành diện có những chính sách hỗ trợ gì?
 
HĐQT của EVN vừa ra nghị quyết là đến tháng 6/2010 tiếp nhận lưới điện để bán điện trực tiếp tới từng hộ dân ở nông thôn.
 
Đối với vùng sâu, vùng xa, chúng tôi vẫn bù lỗ bằng việc tính giá điện thấp ở 50kWh đầu, đây là mức sử dụng phổ biến ở các hộ nghèo, đồng thời tiếp tục đầu tư chương trình đưa lưới điện về nông thôn, dùng vốn vay của ngân hàng thế giới và ngân sách nhà nước để đưa điện phục vụ cho đồng bào Tây Nguyên, Kh'me...
 
Nhiều người cũng cho rằng việc tăng giá điện lần này sẽ làm cho hình ảnh của EVN giảm sút…?
 
Đúng là như vậy, nhưng vì lợi ích tổng thể của xã hội, mặc dù hình ảnh có thể giảm sút nhưng tôi tin rằng sau này mọi người sẽ hiểu được. EVN là Tập đoàn nhà nước giữ nhiệm vụ là công cụ điều tiết vĩ mô, chúng tôi sẽ phải thực hiện và làm đúng công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ.
 
Với việc tăng giá điện lần này, EVN có cam kết sẽ giải quyết được tình trạng cắt điện, thiếu điện như mọi năm không?
 
Tăng giá điện nhằm mục đích thu hút đầu tư, đảm bảo cung cấp điện an toàn. Tuy nhiên, ngay trong năm 2009 thì chưa thể nói là hôm nay tăng giá điện thì ngày mai tốt lên được mà ảnh hưởng của nó phải là từ nhiều năm đầu tư. Nhưng chắc chắn việc tăng giá điện sẽ đảm bảo cho việc cung cấp điện tốt hơn.
 
Con số “nhiều năm” khiến người dân sẽ lo ngại cho việc sẽ tiếp tục cúp điện thường xuyên. Ông có thể đưa ra thời điểm cụ thể là đến lúc nào sẽ hết tình trạng này?
 
Nếu nói về lộ trình thì lúc nào chúng tôi cũng đặt vấn đề là nâng cao chất lượng dịch vụ. Kể cả khi không tăng giá điện.
 
Năm ngoái khi tình hình lạm phát cao, EVN đã phải cắt giảm chi phí, cắt giảm việc sửa chữa duy tu. Tuy nhiên để đảm bảo ngành hoạt động bình thường thì chủ trương của Chính phủ vẫn là đảm bảo đầu tư nguồn, nâng cao hệ thống lưới điện.
 
Theo ông, khi tăng giá điện thì lượng điện tiêu thụ sẽ giảm đi bao nhiêu?
 
Nếu nói về con số cụ thể thì hơi khó. Nhưng nguyên tắc khi giá điện tăng lên thì lượng điện sử dụng lãng phí sẽ giảm xuống. Và việc tiết kiệm điện là mong muốn của Chính phủ và EVN.
 
Dư luận vừa qua không hài lòng với việc cải tổ ngành điện của Bộ Công Thương, quan điểm của EVN như thế nào?
 
Cải tổ ở đây là việc của Chính phủ, còn đối với thị trường điện từ xưa đến nay EVN đã rất tích cực đề nghị và mong muốn có thị trường.
 
Khi dư luận cho rằng EVN độc quyền trong khâu mua bán điện, chúng tôi đã thành lập công ty cổ phần mua bán điện.
 
Nhưng sau khi đồng ý rồi thì dư luận lại cho rằng cứ để cho EVN đại diện cho nhà nước mua để giữ độc quyền nhà nước.
 
Nói như vậy để thấy chúng tôi rất muốn có thị trường điện nhưng việc hình thành đó phải có lộ trình để nghiên cứu đầu tư bài bản.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm