EVN cần minh bạch lỗ lãi giá điện

(Dân trí) - EVN cần sớm minh bạch và công khai giá thành, giá đầu vào và giá đầu ra, lỗ lãi, từ đó nhân dân biết việc tăng giá điện hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý…

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản chính thức gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam.
 
EVN cần minh bạch lỗ lãi giá điện
EVN cần minh bạch lỗ lãi giá điện để nhân dân biết việc tăng hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý (ảnh minh họa)

Theo đó, qua khảo sát của VEA, hiện nay việc sử dụng nguồn than chưa hợp lý. Thực tế, do công nghệ cũ nên các nhà máy nhiệt điện chạy than đang sử dụng nhiều loại than có chất lượng tốt như cám 5, than cám 4B, thậm chí các nhà máy ngành xi măng có nơi đang sử dụng than cám 3.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà máy nhiệt điện than cần đổi mới công nghệ lò hơi bằng các lò hơi sử dụng được các loại than xấu (loại than cám 6, cám 6A… hiện đang được khai thác nhiều nhất) cũng như các nhà máy xi măng, các nhà máy hóa chất cần đổi mới công nghệ để sử dụng các loại than tương tự.

Mặt khác, giá than bán cho điện dù mới đây được Chính phủ cho phép tăng thì cũng chỉ bằng 70% giá thành. Do giá bán than trong nước thấp hơn nhiều so với giá thành nên lâu nay hàng năm TKV phải bù lỗ cho các hộ tiêu thụ trong nước đặc biệt là đối với các nhà máy điện với số tiền là hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong lúc đó, theo tính toán của Quy hoạch Điện VII và theo nhiệm vụ của Chính phủ giao thì từ năm 2015 chúng ta đã phải nhập khẩu than, và đến năm 2020 than cần cho điện tối thiểu khoảng 67 triệu tấn/năm than tiêu chuẩn.

Theo EVA, việc tính toán để xác định giá thành 1kWh của điện bán ra là bao nhiêu cần đảm bảo với giá thành đó thì kể cả EVN, TKV, PVN đều không bị lỗ mà còn có lãi để tiếp tục tái đầu tư xây dựng các công trình mới theo Quy hoạch điện VII …. “EVN cần sớm minh bạch và công khai giá thành giá đầu vào và giá đầu ra, lỗ lãi, để nhân dân biết việc tăng giá điện hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý.” – đại diện EVA nêu rõ trong văn bản.

Cũng tại văn bản này, EVA đã chỉ ra sự không thống nhất giữa quy hoạch điện và quy hoạch than. Cụ thể là theo Quy hoạch Điện VII, Nhà máy nhiệt điện Na Dương II đưa vào vận hành năm 2018 trong khi đó Quy hoạch than lại quy định Mỏ than Na Dương đạt 1,2 triệu tấn/năm vào 2015, trong khi nhà máy nhiệt điện Na Dương I chỉ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn/năm. Như vậy than sản xuất ra mà không có nơi tiêu thụ, vì loại than này chỉ có thể sử dụng cho phát điện của các nhà máy điện Na Dương I và Na Dương II.

Chính vì vậy, VEA đã đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng sao cho đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ. Quy hoạch phát triển điện lực phải được lập phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, nguyên tử) cho phát điện, bao gồm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Về giá nhiên liệu cung cấp cho ngành năng lượng, VEA đề nghị Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, soát xét một cách đồng bộ giá than, điện, dầu, khí theo giá thị trường dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để đầu ra của giá điện được hợp lý làm cho doanh nghiệp, nhân dân đồng tình trên tinh thần các Tập đoàn trong ngành năng lượng phải có lãi để tiếp tục đầu tư phát triển.

Lan Hương