EU bác bỏ thuế chống bán phá giá giày mũ da

Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa đã bác bỏ đề nghị mới của Uỷ ban châu Âu (EC) về việc áp dụng các mức áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm giày da của Trung Quốc và Việt Nam.

Phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ), ngày 4/8, người phát ngôn của EU, ông Peter Power cho biết Uỷ ban cố vấn chống phá giá của không tán thành đề xuất ngày 26/7 của EC, theo đó áp dụng mức thuế 10% đối với giày da nhập khẩu từ Việt Nam và 16,5% đối với giày da nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Trước đó, các nước EU cũng đã nói “không” với một đề nghị khác của EC về áp dụng một hệ thống thuế quy định mức hạn ngạch đối với giày da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể là EU sẽ đánh thuế trung bình đối với 140 triệu đôi giày da nhập khẩu mỗi năm từ Trung Quốc và 95 triệu đôi nhập từ Việt Nam. Ngoài mức hạn ngạch này, giày da của hai nước nhập vào thị trường EU sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

 

Ông Power thừa nhận rằng nội bộ EU đang bị chia rẽ trong vấn đề này. Một số nước ủng hộ tự do thương mại trong khi một số khác lại yêu cầu phải bảo hộ ngành giày da của châu Âu trước làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ.

 

Ông cho biết trong cuộc bỏ phiếu ngày 3/8, nhóm các nước “tự do ở phương Bắc” như Anh và Thuỵ Điển đã kịch liệt phản đối bất kỳ giải pháp nào về áp thuế mà không tính tới hạn ngạch nhập khẩu.

 

Các nhà bán lẻ và nhập khẩu cũng cho rằng EU nên từ bỏ ý định áp thuế chống phá giá, và nêu rõ mức thuế 16,5% sẽ ảnh hưởng xấu tới tầng lớp dân cư thu nhập thấp đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao.

 

Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh (BRC) nêu rõ việc áp thuế chống phá giá này chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của một số nhà sản xuất kém khả năng cạnh tranh ở châu Âu, trong khi lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các nhà phân phối lẻ.

 

Tán đồng quan điểm nay, Liên đoàn ngành sản xuất đồ thể thao châu Âu khẳng định áp thuế chống phá giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ EU-Trung Quốc.

 

Tháng 4 vừa qua, EU đã bắt đầu áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng giày da của Việt Nam và Trung Quốc. Vào tháng 9 tới, mức áp thuế này sẽ tăng tới mức tối đa là 16,8% đối với giày da nhập từ Việt Nam và 19,4% với giày da nhập từ Trung Quốc.

 

Việt Nam và Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc bán phá giá giày và cho rằng hành động của EU chỉ nhằm bảo vệ chế độ bảo hộ mậu dịch của Liên minh này.

 

Theo TTXVN