Thừa Thiên - Huế:

Được mùa cao su nhưng vẫn lỗ nặng

(Dân trí) - Năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế được mùa cao su, thế nhưng người dân đang đứng trước tình trạng thua lỗ nặng khi liên tục bị tiểu thương ép giá, trong khi đó, các nhà máy chế biến cao su trong vùng lại hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.

Được mùa cao su nhưng vẫn lỗ nặng - 1
Vườn cao su đang thời kỳ phát triển, lấy mủ tốt ở xã Phong Mỹ (Phong Điền).
 
Hiện tại, Thừa Thiên - Huế có hơn 8.300 ha cao su đang thời kỳ phát triển - lấy mủ tốt, tập trung phần lớn ở 3 huyện Nam Đông, Hương Trà và Phong Điền. Trong đó, diện tích đưa vào khai thác hơn 2.000 ha, sản lượng mủ khô trên 3.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 7 triệu USD.

Tại xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) có trên 900 hộ trồng cao su với diện tích 1.375 ha, trong đó đã đưa vào khai thác đã trên 700 ha. Vào năm 2009, giá bán được chỉ khoảng từ 10.000 - 11.000 đồng/kg mủ nước. Đến thời điểm tháng 8/2010, mặc dù giá chung trên toàn thế giới đã tăng cao su song ở đây vẫn bị ép còn khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg, lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg mủ nước.

Với mức giá trên, ước tính mỗi hộ kinh doanh cao su ở xã Phong Mỹ cũng lỗ trung bình khoảng vài trăm ngàn/ngày.

Ông Trần Minh Trí, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phong Mỹ cho biết “Tại đây tiểu thương còn mua với giá cao chứ như ở những vùng khác giá mua còn rẻ hơn”

Tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) cũng nhiều không kém với khoảng gần 1.470 ha cao su, trong đó đi vào khai thác gần 750 ha nhưng vẫn bị rớt giá thê thảm trong 3 tháng trở lại đây.

Ở xã Hương Bình (huyện Hương Trà) cũng có khoảng gần 600 hộ dân khai thác hơn 1.000 ha cao su, tuy nhiên thương lái cũng ép giá mua vào khoảng 11.000 đồng/kg.

Toàn huyện Nam Đông có hơn 3.400 ha cao su cũng đang đến mùa thu hoạch nhưng tình trạng cũng tương tự khi tiểu thương đến và kỳ kèo giá với các chủ hộ trồng cao su với mức rẻ mạt.

Mặc dù bị ép giá, nhưng do là “mối quen” và lấy hàng đều đặn mỗi ngày nên người dân cũng đành “nhắm mắt” bán dù lời hay lỗ.

Điều đáng nói, mặc dù tại 3 huyện trên đã có các nhà máy chế biến cao su như Nhà máy chế biến mủ cốm của Công ty Cao su Nam Đông, Nhà máy chế biến cao su Hương Vân (huyện Hương Trà) của Công ty Vật tư Nông nghiệp TT - Huế, Cơ sở chế biến mủ cao su xã Hương Bình (huyện Hương Trà), Nhà máy chế biến mủ cao su Hương Trà (huyện Hương Trà), Nhà máy chế biến cao su Phong Mỹ (huyện Phong Điền) của Công ty cổ phần Cao su TT - Huế...

Tuy nhiên, những nhà máy này đều hoạt động cầm chừng, dây chuyền sản xuất yếu kém, lạc hậu nên công suất sơ chế mủ rất hạn chế. Thậm chí có nhà máy đã đóng cửa từ lâu như ở tại Hương Bình, Phong Mỹ…

Ngoài bị thương lái ép giá và đầu ra hạn chế, cao su ở tỉnh TT-Huế cũng đang bị bệnh phấn trắng, lá vàng, sau một thời gian thì bắt đầu khô, cây chết dần. Mặc dù, số lượng cây cao su chết chỉ rải rác ở một số vùng song trước thực trạng đầu ra bị o ép như trên, người dân trồng cao su ở đây lại thêm một nỗi lo nữa - nỗi lo dịch bệnh tấn công.

Đại Dương