Được mua bán vàng miếng nhưng có nơi có chỗ

Không bị mua giá cao, khi mua ở những nơi được Nhà nước quy định sẽ đảm bảo an toàn. Thống nhất quản lý vàng chặt chẽ hơn để đảm bảo vàng trong nước tương thích với vàng thế giới.

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cuộc họp với Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia xoay quanh vấn đề tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Trong đó có bàn về việc thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Chiều qua, Pháp Luật TPHCM đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia tham dự sau khi cuộc họp này kết thúc.
 
Được mua bán vàng miếng nhưng có nơi có chỗ - 1
Quản lý vàng theo hướng tập trung để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Vàng vẫn là tài sản của dân

Trao đổi với PV, PGS-TS Trần Hoàng Ngân thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho biết tinh thần của buổi làm việc với Chính phủ ngày hôm qua là sẽ không có gì thay đổi, người dân hoàn toàn có thể mua, bán, trữ vàng như trước đây.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho biết tại cuộc họp ông vẫn giữ quan điểm: “Vàng là tài sản của dân, mà đã là của dân thì phải bảo vệ. Việc quản lý vàng theo hướng tập trung cũng là để đảm bảo quyền lợi của người dân”.

“Tại phiên họp, có mười mấy chuyên gia, đa số đều thống nhất quản lý vàng chặt chẽ hơn để đảm bảo vàng trong nước tương thích với vàng thế giới” - PGS Trần Hoàng Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, điều này không chỉ góp phần hạn chế được nạn buôn bán vàng lậu bất hợp pháp, USD chợ đen, tỉ giá… mà người dân được bảo vệ quyền lợi giá cả khi đi mua bán. Sẽ không bị mua giá cao và khi mua ở những nơi được Nhà nước quy định sẽ đảm bảo sự an toàn.

Còn việc người dân đem vàng để mua bán nhà, đất… thì sẽ thế nào? PGS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh là phải nghiêm cấm dùng vàng trong các giao dịch mua bán xe, nhà cửa... Đồng quan điểm này, TS Trần Du Lịch khẳng định: “Như tôi đã nói rõ quan điểm của mình, không thể coi vàng là phương tiện thanh toán”.

Doanh nghiệp vẫn có thể kinh doanh vàng

PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng cho biết thêm: Các doanh nghiệp tư nhân nào được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép mới được kinh doanh vàng. Tuy nhiên, khi người dân đem bán vàng thì phải bán cho NHNN, hoặc các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kể cả bán cho doanh nghiệp vàng nữ trang được NHNN cấp phép.

Vậy các doanh nghiệp tư nhân có các điều kiện như thế nào thì được NHNN cấp phép? PGS Trần Hoàng Ngân cho biết: “Vấn đề này chúng ta chưa bàn tới ở đây. Điều quan trọng là Nghị quyết 11 đang đi đúng hướng. Các ban ngành đang đi đúng hướng, góp phần ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát”.

TS Trần Du Lịch cũng cho biết các doanh nghiệp không phải lo lắng về việc kinh doanh vàng vốn dĩ đã có từ nhiều năm nay.

Trong tình hình hiện nay, điều mà các doanh nghiệp đang rất quan tâm là đối tượng nào sẽ được xuất nhập khẩu vàng.

Theo ông Ngân, riêng với việc xuất nhập khẩu, Nhà nước sẽ thống nhất một mối là NHNN. NHNN có một hệ thống chân rết là các ngân hàng thương mại ở dưới và một số ít doanh nghiệp cùng tham gia việc xuất nhập khẩu này.

Theo Yên Trang
Báo PL TPHCM