1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dừng huy động vàng, 17 tỉ USD chết dí

Ngân hàng Nhà nước đang xem xét khả năng không cho phép các ngân hàng huy động, cho vay vàng vì lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, quy định này nếu ban hành sẽ làm mất cơ hội thu hút nguồn vốn lớn của xã hội phục vụ phát triển kinh tế.

Dừng huy động vàng, 17 tỉ USD chết dí - 1
Nếu có kênh huy động, nguồn vàng trị giá khoảng 17 tỉ USD này sẽ tạo thêm việc làm cho xã hội (ảnh: Lê Quang Nhật - SGTT)

Quen sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, tích trữ phổ biến, lượng vàng nhập khẩu, lưu thông và nắm giữ tại Việt Nam rất lớn. Do vậy, thay vì cấm, ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng chính sách, công cụ quản lý để kiểm soát rủi ro.

Lượng vàng trong dân rất lớn

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, trưởng đại diện Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức và chính xác, nhưng theo ước lượng, lượng vàng hiện người dân trữ khoảng 500 tấn vàng, tính quy đổi theo giá hiện tại tương ứng khoảng 325.000 tỉ đồng (17 tỉ USD).

“Không cho phép huy động vàng, mất đi một cơ hội huy động nguồn vốn rất lớn trong xã hội”, ông Khánh nhận định.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn một chục ngân hàng huy động, cho vay vàng. Mặc dù lượng vàng đổ vào các ngân hàng chưa nhiều, thời kỳ cao điểm nhất cũng chỉ được khoảng 30% nguồn tích trữ trong dân cư, nhưng cũng là một khoản vốn rất đáng kể.

Đơn cử, với Eximbank, ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc cho biết, lượng vàng huy động thời gian qua khoảng hơn chục tấn.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng cửa sàn vàng, ngừng kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, các ngân hàng đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động vàng, thậm chí có nơi còn tính thêm phí kiểm đếm.

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội lý giải, thời gian gần đây, cùng với sự “leo thang” chóng mặt của giá vàng (mức tăng giá trung bình 25%/năm), lượng khách vay vàng giảm mạnh bởi e ngại khả năng trả nợ.

Lượng vàng huy động được, ngân hàng chủ yếu bán ra hoặc qua sàn vàng, thị trường vàng trong nước để thu tiền về hoặc ra thị trường vàng quốc tế (kinh doanh vàng qua tài khoản nước ngoài, xuất khẩu), sau đó cho vay lại.

Tuy nhiên, với quyết định mới của Chính phủ, các ngân hàng chỉ còn “cửa” bán trong nước. Thanh khoản hẹp lại, rủi ro tăng, các ngân hàng buộc phải hạn chế huy động.

Không nên cấm?

Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Cao Sỹ Kiêm đồng tình với chủ trương ngừng huy động, cho vay vàng. Ông phân tích, tại nhiều nước, hoạt động này là bình thường, nhưng họ có công cụ kiểm soát rủi ro, quản lý chặt chẽ.

Không tán đồng với ý kiến này, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, rủi ro có thể kiểm soát được bằng chính sách, biện pháp và công cụ quản lý. Cụ thể, theo ông Khánh, với ngân hàng và khách vay vàng, đều có thể “bảo hiểm” rủi ro bằng cách sử dụng hợp đồng kỳ hạn.

Với cơ quan quản lý là ngân hàng Nhà nước, cần yêu cầu các ngân hàng định kỳ báo cáo lượng huy động, lượng cho vay hay bán ra; phương án trả nợ; đồng thời kiểm tra, kiểm soát trạng thái của các đơn vị này...

Ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc SJC, chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank kiến nghị, NHNN có thể đứng ra thu mua vàng làm dự trữ quốc gia, đồng thời để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Ông Long cũng cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước không nên cấm các ngân hàng huy động mà để họ chủ động cân đối. Như vừa qua, đầu ra hạn hẹp, các ngân hàng tự giảm hoặc ngừng huy động mà việc giảm lãi suất là một cách điều tiết”.

Việc đóng cửa sàn vàng đã khiến các ngân hàng phải giảm huy động vàng, nên phần huy động dành cho đầu cơ qua sàn vàng (gây bất ổn vĩ mô) xem như đã không còn. Nếu áp dụng thêm biện pháp cấm huy động vàng để chống đầu cơ là không cần thiết. Bởi trước khi các sàn vàng ra đời, hoạt động huy động và cho vay vàng vẫn tồn tại.

Một số ý kiến khác cũng lập luận rằng, nếu tận dụng được nguồn vàng trong dân không chỉ giúp tăng nguồn vốn trong nước, mà còn giúp giảm được việc vay nợ nước ngoài vì khát vốn và thâm hụt, nếu có cơ chế để tạo sự liên thông, hoán đổi giữa vàng và ngoại tệ giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, để lành mạnh hoá hoạt động huy động và cho vay vàng, ngân hàng Nhà nước có thể định về tỷ lệ huy động vàng trên tổng tài sản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ cho vay vàng trên huy động…

TheoLam Tường
SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm