Đừng để nền kinh tế giảm sâu

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên bắt đầu có giải pháp để “giải cứu” doanh nghiệp, “giải cứu” nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP quý I/2012, theo thông tin của Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, vào khoảng 4%. Đây là một con số đã được dự báo trước, dựa trên các diễn biến gần đây của nền kinh tế, đặc biệt là những khó khăn trong sản xuất công nghiệp và xây dựng.

 

Không bình luận nhiều về con số này, bởi chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thừa nhận, đây là một mức tăng trưởng thấp, song các chuyên gia kinh tế dường như đang có một nỗi lo chung về tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay.

 

“Quý I, GDP chỉ tăng 4%, do vậy, để cả năm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% là không dễ dàng. Cứ nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng cửa nhiều, lượng nguyên vật liệu nhập khẩu giảm đi là có thể thấy, tình hình sẽ khó khăn như thế nào”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.

 

Thực tế, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tăng trưởng chung của nền kinh tế, tăng trưởng của khu vực nông - lâm nghiệp là 2,8%; công nghiệp - xây dựng chỉ là 2,9%; còn dịch vụ là 5,3%. Đáng chú ý, trong mức tăng trưởng của khu vực II, công nghiệp tăng trưởng 4%, còn xây dựng giảm tới 3,8%. Đây là những con số rất đáng lưu tâm, cho thấy phần nào sự đình trệ của khu vực công nghiệp - xây dựng, khu vực luôn có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế.

 

Không những vậy, trong 3 tháng đầu năm, đã có trên 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế.

 

“Đó là còn chưa kể số lượng doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng cũng rất cao. Nếu họ chỉ duy trì quy mô cũ, không tăng sản xuất thì có nghĩa là không có tăng trưởng”, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn và bày tỏ quan điểm rằng, rất có thể, tăng trưởng GDP năm nay sẽ không thể đạt mục tiêu đề ra, thậm chí sẽ chỉ ở mức thấp.

 

“Đúng là theo quy luật, quý I, GDP bao giờ cũng tăng trưởng thấp, các quý tiếp theo sẽ tăng cao hơn. Nhưng quan trọng là nó sẽ tăng theo nhịp độ nào? Hiện tại, các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vượt trội thời gian tới đều rất yếu ớt”, ông Giá nói và viện dẫn 6 nguyên nhân để bảo vệ quan điểm của mình.

 

Theo phân tích của ông Giá, việc năm 2011, đầu tư toàn xã hội nếu loại trừ yếu tố giá cả giảm tới 10% so với năm 2010, còn tín dụng chỉ tăng 12% là một trong những nguyên nhân lớn nhất tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Là một nền kinh tế có tăng trưởng dựa rất lớn vào đầu tư, trong khi hiệu quả đầu tư chưa cao, mà tổng vốn đầu tư giảm, thì dễ hiểu vì sao ông Trần Xuân Giá đưa ra nhận định như vậy. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng - huyết mạch quan trọng “nuôi dưỡng” nền kinh tế lại chỉ tăng rất thấp, thấp nhất trong hàng chục năm qua. Thậm chí, hai tháng đầu năm, tín dụng không tăng mà còn giảm tới 2,51% - một tín hiệu được cho là không bình thường.

 

“Nhiều quan điểm cho rằng, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, theo tôi là không phải. Là nền kinh tế, doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Doanh nghiệp vay vốn để làm gì trong bối cảnh hiện nay?”, ông Giá nói.

 

Những nguyên nhân khác ảnh hưởng tới tăng trưởng, theo ông Giá, là thị trường trong và ngoài nước thu hẹp, khiến tồn kho tăng cao; chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao; nông nghiệp gặp khó; các yếu tố cạnh tranh vốn có của Việt Nam giảm sút…

 

Dẫn câu chuyện lịch sử của các năm 1998 - 1999, rồi 2008 - 2009, ông Giá cho rằng, năm có mức lạm phát cao nhất không phải là năm có mức tăng trưởng thấp nhất, mà là năm sau đó. “Năm nay, tình hình có lẽ cũng sẽ như vậy”, ông Giá nói và một lần nữa nhấn mạnh: “Đừng để nền kinh tế giảm sâu!”

 

Thực tế, đây cũng là nỗi quan ngại của không ít chuyên gia kinh tế khi nhìn vào một hiện thực là sản xuất đang bị thu hẹp, còn tiêu thụ hàng hóa thì quá chậm, trong bối cảnh nỗi lo lạm phát đã phần nào được giải tỏa. “Phải có giải pháp kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp và lo đời sống của người dân”, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bày tỏ quan điểm. Ông Mại cho rằng, cần có khảo sát nhanh về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp để biết được thực trạng, từ đó đề ra những giải pháp về tài chính và tín dụng với từng loại doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau.

 

Có cùng quan điểm, ông Giá cho rằng, nên thực hiện kích cầu tiêu dùng có trọng điểm, có mục tiêu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kích cầu mà không gây ra lạm phát. “Phải xem ngành sản xuất nào có tồn kho cao để hỗ trợ. Ví dụ, trước mắt có thể kích cầu đầu tư để hỗ trợ ngành xây dựng. Nhưng nên nhớ, dù kích cầu đầu tư thì cũng không được phá vỡ các kế hoạch tái cấu trúc đầu tư công, không đầu tư dàn trải, không gây khó cho lâu dài”, ông Giá nêu ví dụ.

 

Lo cho ngắn hạn, không để nền kinh tế giảm sâu, nhưng  các chuyên gia kinh tế, khi hiến kế cho Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp tham vấn chính sách hôm 25/3 vừa qua cũng cho rằng, các giải pháp tình thế phải được thực hiện đồng điệu với các biện pháp dài hạn, kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, để không gây khó khăn cho giai đoạn tiếp theo.

 

Theo Hà Nguyễn
Đầu tư