1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đưa đồng tiền Việt Nam ra thế giới

Nhiều đột phá mới sẽ được thực hiện thời gian tới để đưa đồng tiền Việt Nam "làm chủ" thị trường trong nước và tiến tới lưu thông trên thị trường thế giới. Sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách tiền tệ là bước chuyển biến lớn của nền kinh tế Việt Nam trước thềm hội nhập.

Theo Vụ quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một loạt các "đột phá" để thực hiện mục tiêu trên sẽ được thực hiện tập trung trong năm 2005 và 2006.

Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu bằng... VND

Đây là một thay đổi lớn lao trong hoạt động của mọi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và có thể sẽ gặp những phản ứng nhất thời. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao tính chuyển đổi của đồng nội tệ và giảm dần tỷ lệ đôla hoá, hiện đã lên tới 24%, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sắp tới sẽ thực hiện những bước đầu tiên để đồng Việt Nam (VND) tham gia quan hệ vay trả nợ nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2006 sẽ cho phép Nhà đầu tư nước ngoài sử dụng VND tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam để người nước ngoài chấp nhận VND trong thanh toán; xoá bỏ việc chuyển tiền FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) phải xuất trình chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính và xoá bỏ các quy định về cân đối ngoại tệ đối với FDI.

Bộ này cũng nghiên cứu việc hạn chế và xoá bỏ việc cho phép các doanh nghiệp FDI phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ ở nước ngoài vì chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối và huy động vốn ngoại tệ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ mở rộng quy định xuất khẩu có thể thu bằng VND theo tỷ lệ tăng dần hàng năm. Hiện nay gần như 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam được thanh toán bàng ngoại tệ nhưng dự kiến, tỷ lệ tiền VND thanh toán cho hàng xuất khẩu năm 2006 sẽ là 10% và đến năm 2010 sẽ là 30%.

Trong giao dịch vốn, SBV đang nghiên cứu khả năng cho doanh nghiệp Việt Nam là người cư trú vay nước ngoài bằng VND vào năm 2006.

Thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ

Một trong những động thái khác nhằm giảm tình trạng đôla hoá tại Việt Nam là sẽ hạn chế cho vay ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương sẽ thu hẹp đối tượng được phép vay ngoại tệ so với hiện nay, trừ trường hợp cho vay để nhập khẩu máy móc, công nghệ, nguyên liệu, bán thành phẩm... phục vụ xuất khẩu.

Theo cơ quan này, hiện việc cho vay ngoại tệ với những dự án thực chất chỉ cần VND không chỉ làm tăng mức độ đôla hoá mà còn gây rủi ro cho tổ chức tín dụng, ngân hàng. 

Ngay cả việc chi trả kiều hối sẽ được điều chỉnh để các cá nhân tại Việt Nam sẽ nhận kiều hối bằng VND. Tỷ lệ này dự kiến năm 2008 là 10% và năm 2010 là 30%.

Việc gửi tiền tiết kiệm ngoại tệ cũng sẽ được bắt buộc rút ra bằng VND, SBV sẽ áp dụng tỷ lệ thí điểm từ năm 2008 đến 2010. Hỗ trợ giải pháp này, tỷ giá sẽ được điều hành thoáng hơn, các công cụ tài chính phái sinh sẽ được đẩy mạnh để hỗ trợ và hạn chế rủi ro về tỷ giá, tạo lòng tin của dân chúng vào VND.

Bù lại, Chính phủ Việt Nam sẽ tăng dần dự trữ ngoại hối nhà nước. Mục tiêu là đến năm 2010, dự trữ ngoại hối nhà nước sẽ tăng lên đến mức 18-20 tuần nhập khẩu, so với khoảng 10 tuần nhập khẩu hiện nay và ngưỡng an toàn đối với dự trữ ngoại tệ của một quốc gia là trên 12 tuần nhập khẩu. SBV sẽ phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Đề án về các biện pháp tăng Dự trữ ngoại hối trình Chính phủ trong năm 2006.

Theo VietNamnet