Du lịch Việt Nam và “liên minh ma quỷ”

(Dân trí) - Hình thức kinh doanh du lịch theo cách “liên minh ma quỷ” bằng việc “bán” tư cách pháp nhân cho các văn phòng đại diện du lịch nước ngoài đã gây ra xáo trộn trên thị trường du lịch nội địa...

Thống kê của Tổng cục Du lịch (TCDL) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2008, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1,3 triệu lượt, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2007.

Trong đó, Trung Quốc hiện đứng đầu về lượng khách dẫn đầu trong các thị trường có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất.

Một số thị trường có lượng khách đến Việt Nam tuy không lớn nhưng có mức chi tiêu cao như Thụy Điển tăng hơn 68%, Phần Lan trên 48%, Ôxtrâylia 26% và Hồng Công hơn 32,5%.

Báo động đỏ

Thống kê của TCDL cũng cho thấy, lượng khách từ thị trường Đông Bắc Á có mức tăng rất mạnh, trong đó riêng thị trường Hàn Quốc đạt 141.434 lượt, tăng trên 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, việc thị trường lữ hành nội địa đón nhiều đoàn khách chưa hẳn đã là tín hiệu mừng cho các nhà quản lý. Theo đánh giá của TCDL, mặc dù lượng khách Hàn Quốc có mức tăng trưởng rất mạnh, nhưng trên thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp từ việc quản lý hoạt động của các công ty lữ hành đang khai thác thị trường này.

Theo đó, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là sự biến tướng của các văn phòng du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong khi các văn bản pháp quy hiện hành của Việt Nam quy định văn phòng đại diện (VPĐD) của các công ty nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng du lịch không được phép hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra của thanh tra ngành du lịch cho thấy, sai phạm của các VPĐD du lịch nước ngoài đã lên tới mức đáng báo động.

Những hành vi sai phạm phổ biến nhất là việc các VPĐD thường móc nối với các công ty lữ hành trong nước (thực chất là “mua” tư cách pháp nhân) để tổ chức đón khách.

Việc “đội lốt” tư cách pháp nhân của các hãng lữ hành nội địa không chỉ qua mặt cơ quan chức năng mà còn gây ra nhiều sự xáo trộn của thị trường du lịch nội địa.

Một quan chức tại TCDL lấy trường hợp cụ thể, việc các công ty lữ hành trong nước tự nguyện “bán tư cách pháp nhân” cho các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của các công ty du lịch Hàn Quốc giờ đây đã trở nên quá phổ biến. Hệ quả là các doanh nghiệp trong nước đã tạo điều kiện để cho họ thao túng các hoạt động kinh doanh du lịch.

“Việc núp bóng doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thực chất toàn bộ tour du lịch cho khách Hàn Quốc sang Việt Nam được các “văn phòng Hàn Quốc” thực hiện trọn gói từ A-Z, giá tour không chỉ bị đẩy lên cao mà du khách còn bị chặt chém bởi các dịch vụ “cắt cổ” do sự móc nối giữa hướng dẫn viên (HDV) với các khách sạn, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí...”, vị này lấy ví dụ.

Lo ngại

“Bán” tư cách pháp nhân, đó cũng là lý do dẫn đến các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã bị đẩy vào tình cảnh trớ trêu, bị chèn ép trắng trợn ngay trên sân nhà.

Với hình thức kinh doanh “ma quỷ đó”, không một doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư khai thác thị trường du lịch được coi là tiềm năng số một như Việt Nam.

Theo số liệu công bố mới đây của thanh tra TCDL, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có khoảng 300 người Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và các loại hình dịch vụ khác. Đây là mô hình được “sao y bản chính” đã được các “văn phòng Hàn Quốc” áp dụng tại Thái Lan vài năm trước đây.

Để chấn chỉnh tình trạng này, trong năm 2007 Thanh tra TCDL đã phối hợp với A37 ( Bộ Công an) tổ chức kiểm tra, trục xuất 40 đối tượng hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, đánh giá của các công ty lữ hành, con số này quá ít so với thực tế.

Hình ảnh du lịch Việt Nam một phần nào đó đã “dị dạng” trong mắt du khách nước ngoài khi hình thức kinh doanh du lịch trên “bùng nổ. Các cuộc kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều biểu hiện kinh doanh thiếu lành mạnh, như tổ chức tour cho khách quốc tế trong khi chỉ có giấy phép kinh doanh nội địa.

Theo đó, sai phạm phổ biến nhất là không thực hiện thống kê sổ sách, thực hiện tour trọn gói, nhưng chỉ kê khai từ một đến hai dịch vụ. Đặc biệt đáng chú ý là, các hành vi kinh doanh trái phép ở một số DN có sự tiếp tay của các công ty lữ hành quốc tế (có giấy phép kinh doanh) được hợp thức hóa qua “hợp đồng ủy thác phục vụ”.

Thấy được thực trạng, nhưng đơn vị chức năng cũng chỉ biết “than vãn” khi cho rằng lực lượng thanh tra ngành quá mỏng (số thanh tra chuyên ngành du lịch trên toàn quốc chỉ có 40 người, trong đó TCDL 15 người, còn lại là thanh tra các địa phương - PV) nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra định kỳ.

Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh, kiểm tra.

Trần Hưng