1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Du lịch Huế: “Thánh địa” ảm đạm

(Dân trí) - Vừa tổ chức thành công Festival năm 2008, được Chính phủ công nhận là thành phố du lịch, thành phố Fesstival, đang triển khai và cấp phép hàng loạt dự án du lịch hàng nghìn tỷ đồng, tại sao Huế vẫn bị các chuyên gia đánh giá là một “thánh địa du lịch ảm đạm”?

Cố đô đang “cũ” trong mắt du khách?

Đó là cách mà ông Trịnh Quang Thang - đại diện công ty cổ phần Du lịch Việt Nam nói về nền du lịch Huế, vốn vẫn tự hào là mảnh đất của gần 900 di tích và hàng năm được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức Festival.

Nói ảm đạm không có nghĩa là du khách đang quay lưng với Huế, bởi con số lượt khách vẫn tăng từ 1,1 triệu lượt năm 2006 lên hơn 1,5 triệu năm 2007 và hết tháng 9/2008 cũng tăng 24% so với cùng kỳ 2007.

Tuy nhiên, một chỉ số quan trọng là ngày lưu trú thì chỉ tăng rất chật vật từ 2,03 ngày (2007) lên 2,05 ngày (2008). Đó là những con số rất khiêm tốn so với Hội An, nơi chỉ có duy nhất một khu phố cổ, chứ chưa nói đến các nước lân cận.

Ông Thang cho rằng, nguyên nhân là vì Huế không có nhiều sản phẩm du lịch mới để níu chân du khách.

Ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN cũng nhận xét: “Tại sao cứ phải chạy theo lượt khách, trong khi cùng một lượt khách nhưng kéo dài ngày du lịch lên gấp đôi cũng có nghĩa tăng doanh thu gấp đôi cơ mà!”.

Du lịch đến Huế là du lịch để khám phá lịch sử, văn hóa, di tích. Theo một chuyên gia du lịch trong hội nghị, điểm này Huế có nhiều nét tương đồng với Bắc Kinh, nhưng khi đến Bắc Kinh lần 2, lần 3 du khách luôn cảm thấy có sự mới mẻ trong “phần mềm”, còn trở lại Huế thì vẫn vậy.

Ông Thang nói: “Đây là mảnh đất của huyền thoại, đi đâu cũng gặp huyền thoại. Nhưng hai ba chục năm rồi, sông vẫn vậy, núi vẫn vậy, biển vẫn vậy, chúng ta vẫn chỉ khai thác những cái mình có. Nhiều người chưa đến Huế hoặc chỉ đến một lần là vì Huế thiếu đột phá, vẫn chỉ thành nội, sông Hương, lăng tẩm, ca Huế… Tôi coi Huế là một thánh địa du lịch nhưng thánh địa này đang ảm đạm quá”.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, ngoài việc nêu những nguyên nhân khách quan như khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc các địa phương đồng loạt tổ chức lễ hội… cũng thừa nhận: sản phẩm du lịch Huế chưa được đầu tư đúng mức, giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.

Cũng theo ông Dũng, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn yếu và phân tán. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận: du lịch Huế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cung cấp cái khách cần, hay cái sẵn có?

Ông Thiện khẳng định: “Du lịch Huế mong muốn cung cấp cái khách yêu cầu, chứ không phải cái mình có”. Tuy nhiên, trả lời PV Dân trí về việc từ trước tới nay đã có một cuộc điều tra nào về nhu cầu của du khách đến Huế để làm cơ sở “cung cấp cái khách yêu cầu” hay chưa, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc sở VH-TT&DL cho biết:

“Trước nay Huế mới có một điều tra của trường Cao đẳng du lịch, sở cũng có phối hợp triển khai”. Nhưng được biết, đây là một điều tra hướng vào tác động của các Festival vào điều kiện kinh tế. Mục đích chính của điều tra này là tìm cơ sở khoa học để đào tạo nguồn nhân lực của trường. Sở chỉ “dùng chung” những kết quả này chứ chưa có một cuộc điều tra nào thực sự hướng vào nhu cầu của khách để đáp ứng.

Thực tế, du lịch Huế vẫn chưa có bước đột phá lớn trong cách làm, dù đã tổ chức thành công Festival từ mấy năm nay và được Chính phủ ghi nhận là Thành phố Festival. Trong khi chưa biết khách cần gì ở Huế, thì những nhu cầu thiết yếu nhất của khách như mua sắm, giải trí và thậm chí… đi vệ sinh đều chưa được đáp ứng đầy đủ.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Saigon Tourist tại Đà Nẵng chỉ rõ một cái thiếu rất cơ bản tại các điểm di tích, lăng tẩm: “Khu vệ sinh vừa thiếu, vừa bẩn. Đã không ít lần, du khách phải thuê xe chở về khách sạn để… đi vệ sinh rồi quay lại tham quan tiếp. Tôi thấy nhiều người đã quay phim, chụp ảnh rồi phát tán lên mạng, như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh du lịch Huế”.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, hiện trên địa bàn Huế chỉ có vài siêu thị cỡ nhỏ và chợ Đông Ba. Còn lại là hằng hà sa số những cửa hàng đồ lưu niệm có chủng loại hàng hóa tương tự nhau.

Ngoài những sản phẩm truyền thống như nón bài thơ, quạt tay, mè xửng, tôm chua, rượu chè cung đình… thì đến Huế quả rất khó để tìm hàng hiệu, mua sắm “đã tay” như các nước lân cận Thái Lan, Singapore và các thành phố lớn trong nước. Đó quả là một sự lãng phí đối với mảnh đất mỗi năm thu hút trên 1,5 triệu lượt khách.

Tương tự, du khách đến Huế muốn tìm chỗ chơi đêm thì chỉ có cách xuống thuyền nghe ca Huế hoặc đi dạo quanh khu cầu Tràng Tiền vì Huế tịnh chưa có một điểm vui chơi giải trí nào tầm cỡ và cứ sau 22 giờ là người Huế rục rịch đi ngủ cả.

Về điều này, ông Thang cho rằng: cần tạo cơ chế cho khách đi đêm, để khách được chơi, tiêu tiền và thấy được người Huế rất mở lòng với họ. Ông Đức cũng chia sẻ: Huế chỉ mới làm du lịch từ sang đến tối, chứ chưa khai thác du lịch từ đêm đến sáng, lúc mà khách cần giải trí, tiêu tiền.

Đã đến lúc tìm một chiến lược cho du lịch Huế

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng: để du lịch Huế phát triển, tỉnh cần tích cực quảng bá hình ảnh của mình ra ngoài thông qua các hoạt động như Tuần văn hóa Huế, tổ chức các road show hay quảng cáo trên truyền hình trong và ngoài nước…

Ông Nguyễn Phú Đức còn “gợi ý” rằng Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nên dành ra 1 phút để lên truyền hình giới thiệu hình ảnh Huế.

Đồng thời, trong những việc “cần làm ngay” do sở VH-TT&DL vạch ra, Sở này nhấn mạnh việc khai thác thông tin qua internet, vốn xưa nay ít được ngành du lịch TT-Huế lưu tâm.

Thống kê của Tổ chức du lịch thế giới cho hay: 78% du khách Mỹ, 50% du khách Pháp và khoảng 10% du khách Trung Quốc tìm kiếm thông tin du lịch qua mạng. Chính vì vậy, sở này đang có kế hoạch mở sàn giao dịch điện tử để thu hút thêm khách du lịch từ những thị trường khổng lồ này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng: “Phải làm được những việc cụ thể đã rồi mới quảng cáo”, bởi du lịch không chỉ là thu hút khách mà quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ, sản phẩm để “níu chân” và “lấy tiền” của khách theo một nghĩa tích cực. Cụ thể, các chuyên gia đề nghị Huế cần đào tạo ngay đội ngũ nhân lực, khai thác thêm nhiều tour mới, tạo cơ chế mới để “kéo dài một ngày ở Huế”.

Ông Thang cho rằng: “Việc khai thác vùng vịnh Chân Mây là một quyết định đúng đắn của tỉnh, nhưng để tạo được sự liên kết liên hoàn giữa những điểm du lịch TP Huế và Chân Mây (cách nhau gần 80 km - PV) thì còn rất nhiều việc phải làm”.

Ông Nguyễn Phú Đức đã vạch ra 10 ý tưởng cho du lịch Huế, như triển khai thường xuyên các hoạt động “Đêm hoàng cung”, “Huyền thoại sông Hương” thay vì cứ đến Festival mới tổ chức, xác định và đầu tư cho sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền….

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng để du khách lưu trú dài ngày hơn, TT-Huế cần liên kết với các Cục du lịch trong nước để bố trí thời gian tổ chức lễ hội trong năm nhằm tránh chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động điều hành tour.

Đáp lại ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: TT-Huế đã xác định trọng tâm của nền kinh tế là “dịch vụ, dịch vụ và dịch vụ”, nhưng để biến định hướng đó thành hiện thực cần một thời gian dài.

Theo ông Thiện, tỉnh này đã có chiến lược lâu dài để phát triển ngành du lịch, và thấy được thực tế “chúng tôi đang còn yếu kém so với các vùng khác”, nhưng phải chấp nhận “một bước tiền, vài ba bước lùi” để quy hoạch bền vững “cho tương lai”.

Tuy nhiên, tất cả những gì thuộc về chiến lược vẫn còn nằm trong thì tương lai, còn trước mắt những hình ảnh chưa đẹp mà chính ông thừa nhận là vệ sinh môi trường, đeo bám khách, sự nghèo nàn trong sản phẩm - dịch vụ, thái độ phục vụ nghiệp dự… vẫn là bài toán đau đầu của một mảnh đất được coi là thành phố du lịch hàng đầu đất nước!

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm