Dù "đánh đông, xuất tây", nhưng sao xe Trung Quốc vẫn "khó ở" tại Việt Nam?

An Linh

(Dân trí) - Mặc dù là nước có sản lượng xe hơi lớn hàng đầu thế giới, có đủ "anh tài" làng xe hội tụ, song Trung Quốc chưa bao giờ là nước nhập khẩu xe hơi tầm cỡ vào Việt Nam.

Nhà sản xuất xe số 1 thế giới

Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế các nhà sản xuất ô tô (OICA), năm 2019, ngành sản xuất xe hơi Trung Quốc đạt sản lượng bán ra hơn 25,7 triệu chiếc, sản lượng xe toàn cầu đạt khoảng 89 triệu chiếc. Sản lượng xe Trung Quốc chiếm gần 30% tổng sản lượng xe thế giới.

Tính đến hết quý 3 năm 2020, sản lượng xe của Trung Quốc ước đạt 17 triệu chiếc, giảm hơn 1 triệu chiếc so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là 1 trong 10 quốc gia có sản lượng ô tô lớn nhất thế giới.

Dù đánh đông, xuất tây, nhưng sao xe Trung Quốc vẫn khó ở tại Việt Nam? - 1

Thay vì nhập khẩu các mẫu xe toàn cầu, xe nội địa Trung Quốc tự tin đánh chiếm thành công thị trường Việt Nam.

Trong những tác nhân góp phần đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất, lắp ráp xe hơi số 1 thế giới, phần lớn công sức thuộc về các tập đoàn đa quốc gia, liên doanh của các hãng xe lớn nhất thế giới đặt cơ sở tại Trung Quốc như Audi, Tesla, Honda, Toyota hay Hyundai...

Hầu hết các nhà sản xuất xe hơi lớn thế giới đều tận dụng Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ xe lớn nhất với quy mô 1,3 tỷ dân. Điều này nhằm tận dụng thị trường tiêu thụ vừa là cơ sở sản xuất với nhân công giá rẻ.

Tuy nhiên, các dòng xe sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc ít khi nhập về Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây mà nhập về chủ yếu là các mẫu xe nội địa, sản xuất bởi các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc không mấy nổi tiếng trên thị trường toàn cầu như: Lifan, Chery, Haima, Zotye, gần đây là Brilliance, Beijing và mẫu xe thương hiệu Anh MG do Trung Quốc mua lại.

Các dòng xe khác như Audi, Tesla, Hyundai, Toyota... từ các nhà máy sản xuất của Trung Quốc không nhập về Việt Nam mà chủ yếu được nhập từ như Đức, Nhật, Hàn, Ấn Độ hay các nước Trung Đông.

Dù đánh đông, xuất tây, nhưng sao xe Trung Quốc vẫn khó ở tại Việt Nam? - 2

Dù không có thương hiệu xe hơi toàn cầu nhưng Trung Quốc là nước đặt cơ sở sản xuất của rất nhiều hãng xe lớn trên thế giới.

Là nước sản xuất, lắp ráp ô tô lớn hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu ô tô lớn của thế giới. Các mẫu xe của Trung Quốc xuất đi chủ yếu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật, Úc... Các loại xe xuất chủ yếu là xe của các liên doanh toàn cầu và một số mẫu xe nội địa, với sản lượng nhỏ hơn.

Do lợi thế về quy mô và chi phí sản xuất rẻ nên các tập đoàn ô tô đa quốc gia có mặt tại Trung Quốc có lợi thế về giá xe và xuất đi được nhiều nơi với nhiều ưu thế.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các dòng xe từ Trung Quốc không có nhiều đất diễn. Nhiều năm trước, xe nội địa Trung Quốc từng vào Việt Nam như Lifan, Chery... nhưng tất cả đều không thành công, rồi lụi tàn, trốn chạy cho dù mức giá cực rẻ.

Vì sao nhiều năm xe Trung Quốc vẫn gặp khó Việt Nam?

Sau gần 10 năm, các mẫu xe nội địa Trung Quốc lại đổ bộ mạnh vào Việt Nam như Haima, Baic, Zotye, Brilliance, Beijing... Tuy nhiên, cũng chỉ có mẫu xe của Beijing chiếm được cảm tình của một bộ phận người tiêu dùng.

Ngoài xe nội địa, các nhà nhập khẩu xe hơi Trung Quốc cũng mới thử nghiệm phương án nhập khẩu xe thương hiệu ngoại nhưng thuộc sở hữu của Trung Quốc là MG vào Việt Nam. Các mẫu MG thương hiệu của Anh được lắp ráp tại Trung Quốc về Việt Nam đều có giá dao động từ 500 triệu đến dưới 700 triệu đồng/chiếc, cạnh tranh với các mẫu xe nhỏ như Ford EcoSport, Hyundai Kona, Toyota Cross hay Honda HRV.

Đây cũng là xe hãng liên doanh duy nhất vào Việt Nam theo con đường phân phối độc quyền và mở rộng các chi nhánh, đại lý lớn. Các mẫu xe nội địa Trung Quốc khác đều vào Việt Nam qua một công ty khác theo diện nhượng quyền phân phối bán hàng.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, có một số lý do Trung Quốc dù là nước sản xuất ô tô hàng đầu thế giới nhưng không phải là nhà nhập khẩu xe hơi lớn vào Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam hiện vẫn áp thuế rất cao đối với xe từ Trung Quốc; dung lượng thị trường xe hơi tại Việt Nam chưa đủ hấp dẫn; chiến lược khu vực hóa của các hãng xe hơi và tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện thuế nhập xe hơi từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn giữ theo quy định Tối huệ quốc của WTO là 70%-75%. Chính vì vậy, các mẫu xe lắp ráp của doanh nghiệp ngoại ở Trung Quốc vào Việt Nam sẽ bị đánh thuế rất cao, khó cạnh tranh được với các mẫu xe cùng loại ở thị trường trong nước.

Nguyên nhân thứ 2 là các hãng xe lớn đều có chính sách khu vực hóa thị trường tiêu thụ. Nếu một quốc gia đã có cơ sở lắp ráp, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh xe hơi, các nguồn xe nhập cùng hãng từ nước khác khó có thể được mở kênh phân phối tại thị trường đó. Đây là chuỗi tiêu thụ hàng hóa trở thành luật bất thành văn của các hãng xe lớn trên thế giới.

Nguyên do thứ 3 là thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn đối với các nhà sản xuất xe hơi tại Trung Quốc.

Hiện, năng lực và quy mô sản xuất xe hơi của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chưa bằng 1/10 so với Trung Quốc. Năm 2019, tổng doanh số thị trường chạm ngưỡng 450.000 chiếc, nhưng Trung Quốc là 25,5 triệu chiếc xe. Chính vì vậy, để tiêu thụ lượng xe khổng lồ, các hãng liên doanh, tập đoàn đa quốc gia và nhà sản xuất xe nội địa đã xác định ngay từ đầu các thị trường trọng điểm, chiến lược là: nội địa, EU, Mỹ, Nhật, ÚC và Trung Đông... Đây đều là những nơi có thu nhập đầu người cao và tính thanh khoản của hoạt động mua bán xe hơi của đa số người dân rất cao.

Việt Nam với số dân hơn 96 triệu người, GDP bình quân/người của người Việt hiện nay ở mức trung bình thấp chỉ hơn 2.750 USD/người/năm. Chính vì vậy, để mua xe hơi, người Việt sẽ phải dành dụm nhiều năm liền và lợi thế chỉ thuộc về các dòng xe giá rẻ. Và đây cũng chính là cơ hội của các dòng xe giá rẻ, xe nội địa của Trung Quốc có mặt tại Việt Nam.

Dù đánh đông, xuất tây, nhưng sao xe Trung Quốc vẫn khó ở tại Việt Nam? - 3

Trung Quốc vừa là nước tiêu thụ xe, vừa là nước xuất khẩu xe ô tô lớn nhất nhì thế giới

Nguyên nhân thứ 4 và rất quan trọng là tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng Việt quyết định sự thành bại của các mẫu xe trên thị trường.

Do giá xe cao nên các loại xe hơi trên thị trường hiện vẫn được xem là tài sản thay vì phương tiện như các nước. Chính vì vậy, đa phần người Việt có thói quen mua xe để sử dụng, nhưng cũng muốn xe giữ giá để bán có lời sau này. Vì vậy, các mẫu xe Nhật luôn được chọn hàng đầu.

Các mẫu xe liên doanh, lắp ráp của các tập đoàn nước ngoài ở Trung Quốc không vào Việt Nam, phần lớn lại là các xe nội địa Trung Quốc nên đa số người Việt vẫn nghi ngại về chất lượng xe Trung Quốc như đã từng gặp phải đối với xe máy thập niên 90.

Chất lượng xe nội địa Trung Quốc bị đặt hoài nghi tại Việt Nam, trong khi đó tại nơi sản xuất, nhiều mẫu xe nội địa vẫn gặp khó về doanh số, không lọt vào các danh sách các thương hiệu xe hàng đầu tại quốc gia tỷ dân. Đây cũng chính là cơ sở để nhiều người Việt đặt dấu hỏi và còn nghi ngại chưa ồ ạt mua xe Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, người kinh doanh xe hơi tại Việt Nam cho rằng, sắp tới rất có thể xe Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn thông qua việc cắt giảm và tiến tới bãi bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia RCEP.

Ngoài ra, với mức tăng trưởng và thu nhập ngày càng tăng, cùng với đó là sự bùng nổ thị trường xe, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất xe có mặt tại Trung Quốc. Việc xâm nhập vào thị trường Việt Nam đang mở rộng trong thập niên tới có thể sẽ khác trước, quyết liệt hơn, gay cấn hơn.