Dự án Nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD tại Bình Định mới chỉ là ý tưởng
(Dân trí) - Bộ Công thương cho hay, dự án Nhà máy lọc dầu công suất 660.000 thùng mỗi ngày xây dựng trên 2.000 ha tại Bình Định đến nay mới chỉ là ý tưởng từ nhà đầu tư Thái, vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang (ảnh: BD).
Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 1 của Bộ Công thương diễn ra chiều 4/2/2013, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, dự án Nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD mới chỉ là ý tưởng của phía nhà đầu tư Thái Lan.
Theo đó, qua buổi gặp mặt làm việc của Bộ Công thương với tỉnh Bình Định, Bộ thấy rằng, dự án này vẫn chưa có gì rõ ràng.
"Hiện chưa có thông tin cụ thể nào về nguồn nguyên liệu, kế hoạch thu xếp vốn và tiêu thụ sản phẩm từ nhà máy. Tỉnh Bình Định cho biết, sẽ yêu cầu nhà đầu tư có giải trình tiếp" - Thứ trưởng Lê Dương Quang cho hay.
Đến nay, Bộ Công thương đã gửi văn bản lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để sau đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) từng đánh tiếng với báo chí nước ngoài về mong muốn xây dựng một nhà máy lọc dầu quy mô lớn tại Bình Định, Việt Nam.
Đến 5/1 vừa rồi, Bình Định xác nhận, UBND tỉnh và các bộ, ngành trung ương thống nhất đến cuối tháng 1 trình Thủ tướng xem xét, đưa vào quy hoạch dự án tổ hợp lọc hóa dầu do PTT đầu tư.
Dự án đã được PTT và tỉnh Bình Định tìm hiểu, đàm phán trong vòng 3 năm, dự kiến sẽ còn có sự tham gia của Công ty Dầu khí quốc gia Thái Lan cùng các đối tác Việt Nam khác.
Theo ý tưởng ban đầu từ phía nhà đầu tư, Nhà máy lọc hóa dầu sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000 ha tại khu kinh tế Nhơn Hội, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm) với tổng vốn đầu tư khoảng 26,9 tỷ USD.
Nguồn dầu thô của nhà máy sẽ được nhập khẩu 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và 35% còn lại từ Nam Trung Mỹ. Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 11 sản phẩm lọc dầu bao gồm khí hóa lỏng, xăng 92, 95, Jet A1, dầu DO... và 10 sản phẩm hóa dầu khác gồm LLDPE, Poly-propylene, DEG...Thị trường tiêu thụ sẽ là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.
Thời gian xây dựng cần thiết khoảng 3,5 năm. Nếu được thông qua, dự án sẽ bắt đầu khởi công vào quý I/2016, xây dựng và đi vào hoạt động năm 2019.
Do vốn đầu tư quá lớn nên nhiều đánh giá tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của dự án. Hơn nữa, Việt Nam đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất và đang xúc tiến hai nhà máy Nghi Sơn và Vũng Rô. Tuy nhiên, nhà đầu tư Thái Lan vẫn thể hiện quyết tâm với dự án này và cam kết đủ nguồn lực thực hiện.
Bích Diệp