Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vướng mắc, khó khăn nằm ở đâu?
(Dân trí) - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Về vận hành, khó khăn liên quan đến tổng thầu.
Dự án sẽ nghiệm thu trong tháng 10?
Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ về dự thảo báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng sau nghiên cứu, xem xét đã đề nghị sửa một số nội dung trong dự thảo báo cáo cho phù hợp với tiến độ hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên thực tế.
Cụ thể, thứ nhất, trong nội dung dự thảo báo cáo (do Bộ Giao thông Vận tải thay mặt Chính phủ soạn thảo) nêu: "Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu dự án. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu tổng dự án...".
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa nội dung báo cáo trên thành "Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể công trình. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng...".
Thứ hai, về nội dung "Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong dịp đầu tháng 10/2021...", Bộ Xây dựng đề nghị sửa lại là: "... Hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư sau khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình, dự kiến trong tháng 10/2021...".
Như vậy, về tiến độ nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự kiến Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng vào đầu tháng 10/2021.
Tuy nhiên Bộ Xây dựng khẳng định hội đồng chỉ tổ chức họp, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình. Dự kiến thời gian nghiệm thu là trong tháng 10/2021.
Tiến độ các gói thầu dự án ra sao?
Về tình hình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, theo dự thảo báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM, đến nay, trong 14 gói thầu của dự án, có 8 gói đã hoàn thành, 6 gói đang trong quá trình thực hiện.
Trong đó, gói thầu số 1: Thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, xây lắp toàn dự án do Tổng thầu EPC thực hiện theo hình thức giá trọn gói. Đến nay, đã hoàn thành công tác xây lắp và cơ bản hoàn thành mua sắm lắp đặt hệ thống thiết bị.
Gói thầu số 2 (khảo sát thiết kế và cắm cọc giải phóng mặt bằng): Đã hoàn thành.
Gói thầu số 3 (tư vấn giám sát thi công và lắp đặt): Đang thực hiện theo tiến độ gói thầu EPC.
Gói thầu số 4 (Tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán): Cơ bản đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng hợp đồng.
Gói thầu số 5 (Bảo hiểm công trình): Đã hoàn thành khoảng 53% giá trị gói thầu.
Gói thầu số 6 (Khảo sát, lập phương án rà phá bom mìn): Đã hoàn thành.
Gói thầu số 7 (Kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành): Hiện đang trong quá trình thực hiện.
Gói thầu số 8 (Tư vấn giám sát và quan trắc môi trường): Đã thực hiện khoảng 85% giá trị hợp đồng và tiến độ thực hiện theo gói thầu EPC.
Gói thầu số 9 (Tư vấn kiểm định chất lượng công trình): Đã hoàn thành và quyết toán hợp đồng.
Gói thầu số 10 (Đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống): Hiện đang trong quá trình thực hiện.
Gói thầu số 11 (Tư vấn thẩm định giá vật tư - thiết bị nhập khẩu): Đã hoàn thành và thanh quyết toán hợp đồng.
Gói thầu số 11A (Tư vấn thẩm định giá đoàn tàu): Đã hoàn thành và thanh quyết toán hợp đồng.
Gói thầu số 13 (Tư vấn lập điều chỉnh dự án): Đã hoàn thành và thanh quyết toán hợp đồng.
Gói thầu số 14 (Tư vấn thẩm tra tổng dự toán Gói thầu số 1 (EPC) và tổng mức đầu tư điều chỉnh): Đã hoàn thành và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán hợp đồng.
Còn tiểu dự án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư: Đã tách thành tiểu dự án độc lập do UBND Thành phố Hà Nội thực hiện, hiện nay đã hoàn thành.
Vẫn còn vướng mắc, khó khăn
Cũng theo dự thảo báo cáo, dự án vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu của là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Năm 2018, Dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định…
Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), việc thực hiện một số nội dung theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước có những khó khăn nhất định khi Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (được chỉ định trong Hiệp định vay) cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện (nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước).
Đồng thời dự thảo báo cáo cũng nêu rõ, do đây là Dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tập trung rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước.
Về công tác vận hành, khai thác dự án, dự thảo báo cáo cho biết, để dự án được vận hành ngay sau khi bàn giao, Tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp thực hiện công tác bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay nên tác động rất lớn và kéo dài thời gian huy động nhân sự của Tổng thầu.
Đồng thời, các chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam sẽ phải thực hiện công tác cách ly y tế. Do vậy cần thời gian tối thiểu khoảng 30 ngày thì các chuyên gia này mới có thể có mặt tại Việt Nam và bắt đầu thực hiện công tác vận hành dự án...