Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng:
“Đồng tiền liền khúc ruột nên phải cân nhắc”
(Dân trí) - Một lần nữa cho ta thêm một bài học: “Đồng tiền liền khúc ruột nên phải cân nhắc” - Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nói như vậy về vụ lừa đảo kinh doanh tiền siêu lợi nhuận qua mạng Internet vừa qua.
Khi điều tra những vụ này thì cơ quan chức năng gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Với những vụ lừa đảo như thế này thì chẳng có khó khăn gì, rất dễ triệt phá.
Tại sao rất dễ mà các cơ quan chức năng không vào cuộc ngay mà để dẫn đến hàng nghìn người dân bị lừa, thưa ông?
Phải nói đây là lần đầu tiên xuất hiện hình thức lừa đảo này, chưa có kinh nghiệm từ trước nên có thể chậm xử lý.
Thưa ông, liệu có sự lúng túng từ phía các ngân hàng khi chưa có dự báo về loại tội phạm này?
Không chỉ ngân hàng mà các cơ quan công quyền cũng có sự lúng túng. Vì tội phạm qua mạng diễn ra ở nhiều góc độ, nó cũng chỉ là rút tiền ở các tài khoản ngân hàng. Mình cũng phải tuyên truyền để người dân biết là tài sản của mình để mà bảo vệ, nếu không bảo vệ được mà đưa cho người khác bảo vệ thì rủi ro mất rất nhiều.
Trong Bộ luật Hình sự chưa có điều khoản về tội lừa đảo qua mạng mà chỉ có tội lừa đảo nói chung. Với tính chất nghiêm trọng của vụ lừa đảo qua mạng như thế này mà lại xử lý bằng điều luật chung đó thì có phù hợp?
Lúc đó phải xử theo tính chất của hành vi chứ không phải là công cụ của hành vi. Lừa đảo qua Internet chỉ là công cụ vì thế nó chỉ là yếu tố tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
Tại sao vụ việc kéo dài như vậy mà chính quyền chậm vào cuộc, thưa ông?
Có thể là chính quyền cũng giống như vụ em bé 10 năm bị hành hạ thôi. Chính quyền cơ sở cũng cần phải có hiệu năng hơn.
Hậu quả của vụ lừa đảo này là quá lớn, nhiều người không có tiền nhưng đi vay, bán trâu, bò, cầm cố nhà cửa để gửi tiền lên mạng. Một lần nữa cho ta thêm một bài học: “Đồng tiền liền khúc ruôt nên phải cân nhắc”.
Thông điệp thứ hai là không có cái gì từ trên trời rơi xuống cả. Tất cả những cái gì bất hợp lý thì phải xem lại vì không thể nào tiền lại đẻ ra như vậy được. Bằng trí tuệ bình thường cũng thấy điều đó là bất hợp lý nhưng vẫn nhảy vào và lại cho rằng chính quyền phải chịu trách nhiệm hết là không hợp lý.
Cần phải gửi thông điệp “người có tài sản có trách nhiệm trước hết và cao nhất đối với tài sản của mình”.
Những người nông dân có hiểu biết gì về mạng đâu mà vẫn đầu tư tiền của, thưa ông?
Người ta có cần hiểu biết gì về mạng. Người ta bỏ một “trăm đô” thì tháng sau người ta được 150 đô hay là ngày hôm sau được 129 đô thì người ta theo.
Trước đây ông đã tham gia soạn thảo luật giao dịch điện tử, ông có tính đến những tình huống như vừa rồi?
Thường thì những người dân chẳng giao dịch điện tử, họ giao dịch hoàn toàn bằng dân sự qua gửi tiền bằng tay chứ qua mạng gì đâu.
Bài học gì rút ra trong vụ việc nay, thưa ông?
Chính quyền cơ sở phải được củng cố vì rằng, chính quyền cơ sở mới biết chứ trên này làm sao biết. Ở vùng quê nào đó, người ta chơi hụi ở cơ sở biết ngay, không thể là không biết.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường - Trần Hưng (ghi)