Đông Hải- Bạc Liêu: Sức hút từ tiềm năng kinh tế biển trọng điểm của ĐBSCL

Trường Thịnh

(Dân trí) - Huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu với lợi thế phát triển kinh tế theo hướng: đường bộ, đường sông và đường biển, là một trong những huyện thu hút đầu tư lớn nhất không chỉ của tỉnh mà của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đầu tư hạ tầng đường bộ phát triển kinh tế vùng

Đông Hải- Bạc Liêu: Sức hút từ tiềm năng kinh tế biển trọng điểm của ĐBSCL - 1

Định hướng phát triển hạ tầng giao thông cao tốc kết nối Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2030

Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến được đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026 sẽ góp phần thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Tuyến cao tốc bắt đầu từ Tp.Hà Tiên đến Tp.Rạch Giá (Kiên Giang), đi qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại Bạc Liêu giúp kết nối các tuyến huyện trọng điểm kinh tế như Thị trấn Gành Hào, Huyện Đông Hải.

Quy mô giai đoạn 1 tuyến đường dài 225 km, rộng 17m, gồm bốn làn xe với vận tốc 80 km/h, có dải phân cách ở giữa... Theo các chuyên gia, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển giao thông tại miền Tây, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần hoàn thiện, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ; kết nối giữa các vùng và nước bạn Campuchia cũng như khu vực Đông Nam Á.

Đông Hải- Bạc Liêu: Sức hút từ tiềm năng kinh tế biển trọng điểm của ĐBSCL - 2

Phối cảnh cầu nối Cà Mau - Gành Hào - Đông Hải cùng trọng điểm phát triển điện gió của Bạc Liêu.

Với định hướng kết nối kinh tế giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, UBND tỉnh Cà Mau và thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) đã gấp rút triển khai thi công cầu giao thông nối huyện Đầm Dơi (Cà Mau) với thị trấn Gành Hào, kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc nói trên, dự kiến tổng mức đầu tư lên đến 650 tỷ đồng. Đây cũng là điểm nhấn không chỉ giúp huyện Đông Hải thu hút đầu tư mà còn thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế cho toàn vùng.

Phát triển trọng điểm kinh tế ven biển với cảng biển nước sâu và nghề cá

Huyện Đông Hải với vị trí chiến lược tọa lạc tại cửa sông Gành Hào - vịnh biển nước sâu với tổng giá trị gia tăng kinh tế của huyện lên đến 14.350 tỷ đồng. 

Đông Hải- Bạc Liêu: Sức hút từ tiềm năng kinh tế biển trọng điểm của ĐBSCL - 3

Cảng cá truyền thống Gành Hào khẳng định tiềm năng kinh tế bám biển của địa phương.

Để đạt được những mục tiêu trên, nhiều kế hoạch, đề xuất nhằm thúc đẩy kinh tế ven biển như nghề cá, nuôi trồng thủy sản… của huyện Đông Hải đã được thông qua, trong đó, Chính phủ đã phê duyệt việc phát triển cảng biển nước sâu hỗn hợp Gành Hào - Đông Hải rộng 3.5ha - cách đất tiền 17-18km, trọng tải từ 30,000 DWT - 100,000 DWT (theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/06/2014 và Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 về "Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Đông Hải- Bạc Liêu: Sức hút từ tiềm năng kinh tế biển trọng điểm của ĐBSCL - 4

Cảng biển nước sâu Gành Hào - Bạc Liêu tầm nhìn 2030 sẽ là dấu ấn thúc đẩy kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng Gành Hào - Bạc Liêu được xây dựng là cảng hỗn hợp, kết nối giữa hệ thống cảng biển trong khu vực: Cảng Gành Hào, cảng Hòn Khoai (Cà Mau), cảng Mỹ Thạnh, cảng Sài Gòn, cụm cảng Quốc tế Cái Mép (Vũng Tàu), cảng Vân Phong (Khánh Hòa), đồng thời kết hợp với mạng lưới đường sông, kênh, rạch trong tỉnh sẽ giúp thúc đẩy phát triển về công nghiệp, du lịch không chỉ cho Bạc Liêu mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.