Độc nhất Việt Nam, nuôi 17 ngàn con chuột, ở chung cư, ăn bánh quy
Với nhiệm vụ nuôi dưỡng một số động vật phục vụ hoạt động thí nghiệm để kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế, Trại Chăn nuôi Suối Dầu nằm trên địa phận xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Những người cả đời làm nghề nuôi chuột
Đưa tôi đi từ khu chăn nuôi súc vật đến gia cầm đã được quy hoạch, phân định và thiết kế xây dựng rất bài bản dưới những tán cây dầu, xà cừ cổ thụ tỏa bóng mát, Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu chia sẻ: “Do vóc dáng, số lượng và đặc tính sinh trưởng của mỗi động vật khác nhau nên nơi cư trú của mỗi loại có kết cấu xây dựng cũng khác biệt.
Nếu như nơi cư trú của đàn ngựa là hàng trăm ô chuồng biệt lập kết nối thành những dãy nhà thoáng mát, thì nơi ở của đàn gà Novo White là 3 khu nhà rộng lớn có sàn lưới thép lắp đặt cách mặt đất một khoảng không thông thoáng, bên trong là những dãy ô chuồng lưu trú, dưới chân vách tường là hệ thống quạt gió.
Còn nơi lưu trú của đàn thỏ, đàn chuột là những dãy “chung cư mi ni”, bên trong có những “căn hộ” nhỏ với kết cấu tầng dưới là lớp “nệm” bằng vỏ trấu, tầng trên là sàn lưới thép, vách xây ốp lát gạch men màu trắng có cửa sổ để chuột nhìn ngắm bên ngoài…”.
Chỉ tay về phía những “căn hộ” nhỏ liền kề bên trong “chung cư mi ni”, anh Minh kể tiếp: “Đàn chuột lang, chuột nhắt ở đây được nhân viên kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt, rất bài bản, khoa học và chẳng khác nào người mẹ chăm sóc đứa “con cưng” bằng tất cả tâm huyết. Nhiều thế hệ chuột lang, chuột nhắt du nhập từ Thụy Sĩ, Thái Lan được nuôi dưỡng trưởng thành và sinh sản rất nhanh, đáp ứng kịp thời các hoạt động thử nghiệm y sinh ở IVAC”.
Nói về chế độ cư trú của đàn chuột, anh Minh cho biết với 4 “chung cư mi ni”, đàn chuột lang, chuột nhắt được bố trí tại hàng trăm “căn hộ”, trong mỗi “căn hộ” rộng 0,5 đến 1m2 có 12-15 con chuột phục vụ cho các hoạt động thí nghiệm y sinh, những “căn hộ” nuôi chuột để sinh sản có “biên chế” 1 con chuột đực và 8-10 con chuột cái cùng với 15 đến 22 con chuột con chưa đủ điều kiện tách riêng.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi tạm dừng khi đến giờ nhân viên kỹ thuật thu dọn vệ sinh môi trường trong khu “chung cư mi ni” trước khi cung cấp khẩu phần bữa ăn trưa cho đàn chuột.
Chị Lê Thị Thu Hà, nữ nhân viên 46 tuổi đời nhưng đã gắn bó thâm niên công việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn chuột ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu hơn 22 năm nên chị không chỉ nắm được chi tiết từng “căn hộ” ở 4 “chung cư mi ni” mà còn hiểu rõ đặc tính sinh học của mỗi loại chuột từ khi mới chào đời cho đến lúc trưởng thành hay trong thời kỳ sinh sản.
Chị Hà cho biết, khu chăn nuôi chuột thường xuyên có gần 15 nhân viên, mỗi nhân viên đảm trách chăm sóc, nuôi dưỡng ít nhất từ 550 đến 750 con chuột cư trú tại 50 đến 60 “căn hộ”.
Ngoài việc đảm bảo vệ sinh môi trường luôn sạch sẽ, thông thoáng theo tiêu chí mùa khô thông thoáng mát mẻ, mùa đông che chắn ấm áp, các nhân viên ở đây còn phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho đàn chuột và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của từng con chuột để khẩn báo cho bác sĩ thú y.
Thức ăn cho đàn chuột là những thỏi bánh hình trụ nhỏ bé được tinh chế từ gạo, cám, bắp, đậu nành, bột cá và thỉnh thoảng bổ sung thêm lúa mầm, cỏ xanh, giá đậu để tăng khả năng sinh sản.
Định lượng 6 gram thức ăn mỗi ngày cho 100 gram trọng lượng cơ thể chuột lang và 15 gram mỗi ngày cho 100 gram trọng lượng cơ thể chuột nhắt. Ngoài việc cung cấp đủ định lượng, các nhân viên chăm sóc chuột còn phải chuyển giao khẩu phần bữa sáng và chiều tối đúng giờ để đảm bảo đàn chuột luôn được “ăn ngon, ngủ tốt”, có đủ sức khỏe để tuyển chọn để thí nghiệm sinh học hoặc đội ngũ sinh sản”.
Nhân viên thú y Hà Thị Nga tâm sự: “Nếu như chuột bạch có đặc tính trầm tĩnh, hiền lành thì chuột nhắt hiếu động, thích cắn phá. Ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng tuần, mỗi khi phát hiện chuột lâm bệnh, nhân viên thú ý phải kịp thời can thiệp bằng các biện pháp cách ly và áp dụng phác đồ điều trị thích hợp…”.
Nơi chuột được theo dõi sức khỏe như… người
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC chia sẻ: “Một trong số những động vật nuôi dưỡng tại Trại Chăn nuôi Suối Dầu được các nhà khoa học ở IVAC đưa vào thử nghiệm để kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế an toàn cho người là… chuột.
Với vòng đời ngắn, dễ nhân giống, khả năng sinh sản và trưởng thành nhanh, đặc biệt là có hệ gen gần giống con người, nên sau 45-50 ngày, chuột lang có trọng lượng 250-350 gram, chuột nhắt 12-22 gram đã đủ điều kiện để thử nghiệm kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế an toàn cho người”.
Theo anh Thái, sau một quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng khoa học, nghiêm ngặt từ thức ăn đến vệ sinh môi trường, kiểm soát bệnh tật, nguồn “chuột sạch” đảm bảo đủ sức khỏe, ngày tuổi, trọng lượng và không sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian sinh trưởng mới được tuyển chọn đưa vào thử nghiệm kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế.
Từ Trại Chăn nuối Suối Dầu, “chuột sạch” được đưa về tổ chăn nuôi động vật thí nghiệm thuộc Phòng kiểm định IVAC tại Nha Trang tiếp tục chăm nuôi cách ly 3 ngày đêm để thích nghi môi trường mới, trước khi đưa vào thử nghiệm. Quy trình thử nghiệm được chia thành hai nhóm, đó là kiểm định độ an toàn độc tính và kiểm định hiệu lực đáp ứng miễn dịch.
Khởi đầu thử nghiệm, mỗi con chuột đều được cấp mã số riêng biệt, kiểm tra sức khỏe, trọng lượng để ghi chép trong “y bạ” trước khi đưa vào lồng có gắn nhãn. Sau khi tiêm mẫu thử nghiệm, các nhà khoa học giám sát tình trạng sức khỏe của chuột xuyên suốt hai giờ đầu và giám sát mỗi ngày trong thời gian thử nghiệm để theo dõi, ghi chép vào “y bạ” về trọng lượng, triệu chứng bất thường.
Những con chuột nhiễm độc có các dấu hiệu xù lông, trạng thái bất thường, hạn chế hoạt động, giảm cân và tử vong. Ngược lại, chuột không nhiễm độc sẽ sống khỏe mạnh, tăng cân so với ngày đầu đưa vào thử nghiệm.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái khẳng định: “Bất kỳ một loại vắc xin và sinh phẩm y tế nào muốn xuất xưởng, đưa ra sử dụng đều phải đạt độ an toàn và công hiệu thử nghiệm trên “chuột sạch”. Ngoài ra, IVAC còn sử dụng “chuột sạch” trong hoạt đông nghiên cứu khoa học phát triển sản phẩm vắc xin và sinh phẩm y tế mới.
Vì thế những năm gần đây, mỗi năm ít nhất có khoảng 3.000- 3.500 con chuột lang và 30.000- 45.000 con chuột nhắt được đưa từ Trại Chăn nuôi Suối Dầu về Phòng kiểm định của IVAC để “hiến xác” cho các hoạt động thử nghiệm y sinh”.
Ngồi trước trang viết khi mùa xuân Canh Tý đang về, tôi chợt nhớ nhạc sĩ Beethoven từng viết: “Tuổi thọ đời người chỉ tính bằng thời gian; giá trị đời người tính bằng sự cống hiến”. Với riêng những đàn chuột lang, chuột nhắt ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu, cho dù thời gian sống rất ngắn nhưng sự cống hiến của chúng trong hoạt động khoa học y sinh thật sự giá trị và ý nghĩa.
Theo: Cảnh sát toàn cầu