Doanh nhân quyền lực
Đoàn Nguyên Đức giờ đã trở thành cái tên quá nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là doanh nhân đầu tiên mua máy bay riêng; là người giàu nhất trên sàn chứng khoán nhiều năm. Ông cũng là người đầu tiên “dám” tuyên bố sẽ trở thành tỉ phú USD...
Dành cho PV cái hẹn phỏng vấn sau 22 giờ đêm, ông bảo "chỉ có lúc đó là rảnh và thoải mái nhất".
Ông có bất ngờ khi là người Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách những doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, theo bình chọn của Wall Street Journal?
Tôi bất ngờ vì không hề biết mình được bình chọn. Nhưng tôi không hài lòng lắm với 2 chữ "quyền lực", nghe nó ghê gớm quá. Tôi nghĩ 2 từ này chỉ thích hợp với những người làm chính trị. Tôi là một doanh nhân, tôi không bao giờ làm chính trị.
Vậy từ nào là thích hợp với ông?
Có thể là "ảnh hưởng". Tại một số tỉnh ở Lào, Campuchia hay ở Gia Lai, tôi và công ty của mình đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Nếu nói tôi đã ảnh hưởng đến những nơi này, tôi thấy đúng.
Ngoài việc lọt vào danh sách các doanh nhân quyền lực trong khu vực Đông Nam Á, năm nay ông cũng đoạt giải nhất "Doanh nhân toàn cầu" và sẽ đại diện cho doanh nhân Việt Nam tranh giải với các doanh nhân thế giới tại Monaco vào năm 2012. Ông nghĩ mình có xứng đáng với các danh hiệu này?
Tôi nghĩ việc tôi đoạt giải, không "oan" cho người khác. Tạp chí Wall Street Journal và Ernst & Young (tổ chức giải "Doanh nhân toàn cầu") đều là những tổ chức uy tín, họ có tiêu chí riêng. Tôi cũng không chủ động tham gia bất cứ cuộc bình chọn hay thi cử nào. Họ tự tìm hiểu, tự đánh giá và tự bình chọn.
Ông có thể chứng minh điều này?
Có thể đó chỉ là may mắn?
Đó là sự tỉnh táo cần thiết của một doanh nhân. Tôi luôn tỉnh táo và không chạy theo kiểu kinh doanh chụp giựt. Thị trường rất công bằng, anh làm ăn đứng đắn, nghiêm túc và đầu tư lâu dài, cái lợi lớn hơn nhiều. Những chuyện quá khứ như trên rất nhiều. Ngay tại thời điểm hiện nay, tôi vẫn có thể chứng minh điều này. Năm 2011 là năm khó khăn nhất với các doanh nghiệp do lãi suất cao, lạm phát cao và không tiếp cận được vốn tín dụng. Nhưng tôi ung dung có 4.000 tỉ đồng trong tài khoản, đủ để đầu tư các dự án của mình. Tôi đã huy động 260 triệu USD vốn từ nước ngoài trong năm 2011. Hoàng Anh Gia Lai là công ty đại chúng, mọi thông tin chúng tôi đều phải công khai, minh bạch. Những tổ chức quốc tế mà chúng tôi huy động vốn là những tên tuổi lớn nhất, uy tín nhất trên thị trường tài chính. Đó là Credit Suisse, Deutsche Bank Trust Company Americas...
Nói như vậy có vẻ không được khiêm tốn cho lắm, ông không sợ người ta ghét mình?
Đúng là nghe có vẻ không khiêm tốn, nhưng đó là câu chuyện thật. Ai cũng khiêm tốn, những câu chuyện thật sẽ mãi là bí mật. Tôi không có gì phải sợ.
Vậy "câu chuyện thật" mà ông mang tới cuộc thi doanh nhân toàn cầu sắp tới sẽ là gì?
Doanh nhân Việt Nam cũng đang phát triển như đất nước Việt Nam. Chúng tôi có ý chí, có khát vọng vươn ra thế giới. Việt Nam sẽ có nhiều tỉ phú trong tương lai. Tôi đang rất háo hức với điều này.
Ông có tự tin là mình chiến thắng? Ông đã chuẩn bị những gì cho cuộc tranh tài sắp tới?
Chuẩn bị tốt nhất là phát triển công ty thật tốt. Tôi đã vạch chiến lược cho Hoàng Anh Gia Lai cách đây 4 năm và chúng tôi sẽ đi theo hướng đó. Trước mắt, chúng tôi khẳng định vị trí của mình trong khu vực rồi sẽ vươn ra thế giới. Tôi cho rằng, 5 năm nữa cục diện sẽ thay đổi lớn và tôi sẽ là người đi trước. Tôi có đầy đủ điều kiện để làm việc này.