Doanh nghiệp xoa bóp kiểu Nhật muốn đầu tư ở Việt Nam

(Dân trí) - Một doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhật Bản hoạt động kinh doanh ngành nghề xoa bóp (Massage) vừa nhờ một công ty luật tại Việt Nam để "hỏi" xem có được tham gia đầu tư vào lĩnh vực mới này tại Việt Nam hay không.

Dù trong các quy định của pháp luật liên quan, Việt Nam đã mở cửa cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, nhưng với ngành nghề massage, công ty luật trên vẫn muốn "ăn chắc" là gửi văn bản xin ý kiến hai Bộ liên quan là Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trước khi nhận lời tư vấn cho đối tác Nhật.

Hình thức massage của Nhật Bản (ảnh minh hoạ)
Hình thức massage của Nhật Bản (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, công ty luật dẫn biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nơi Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn vào cơ sở khám, chữa bệnh, cụ thể trong lĩnh vực dịch vụ có liên quan tới chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam, mã ngành CPC 9312.

Công ty này cho rằng: “Căn cứ tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ WTO mà Việt Nam tham gia có quy định: Dịch vụ y tế chuyên khoa (CPC 93122): Dịch vụ chẩn đoán và điều trị do các bác sĩ cung cấp để chữa bệnh cho một loại bệnh cụ thể, trong một cơ sở y tế (gồm cả các cơ sở chữa bệnh cho các bệnh nhân nội và ngoại trú),... các dịch vụ khác có liên quan với chăm sóc sức khỏe (ví dụ như phục hồi, chăm sóc sau khi rời bệnh viện,... )".

Không dừng lại ở đó, nhà tư vấn Việt Nam còn dẫn Điều 22, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh; Hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh:... Cơ sở dịch vụ xoa bóp.

Với các cơ sở luật được dẫn chiếu, theo quan điểm của công ty luật Việt Nam, việc nhà đầu tư Nhật đầu tư 100% vốn hoạt động kinh doanh ngành, nghề Massage đã được cho phép, thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, công ty luật nói trên vẫn chưa hình dung và chưa biết loại hình kinh doanh trên có được các bộ, ngành gật đầu hay không, đồng thời có chịu các điều kiện kinh doanh nào hay không.

Cuối cùng, nhà tư vấn luật Việt Nam lựa chọn giải pháp "ăn chắc" là hỏi ý kiến của Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT về quan điểm của mình trong việc viện dẫn luật trên có đúng hay không? Và việc nhà đầu tư Nhật đầu tư 100% vốn vào hoạt động kinh doanh dịch vụ massage có được cho phép tại Việt Nam hay không để kịp thời tư vấn cho đối tác Nhật Bản hoàn tất cả thủ tục pháp lý đầu tư vào Việt Nam.

Về phía Bộ KH&ĐT, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định: "Ngành nghề "dịch vụ xoa bóp (massage) không được quy định tại Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO. Tuy nhiên, không có quy định cấm, hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Điều 6, Luật Đầu tư năm 2014".

Do nhà đầu tư có quốc tịch Nhật Bản, nên áp dụng theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản (2003) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam (2008) ngành nghề xoa bóp không thuộc lĩnh vực cấm hoặc hạn chế đầu tư.

Nguyễn Tuyền