Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 tại TP Huế:

Doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ vẫn khó tiếp cận vốn

(Dân trí) - Ước tính nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện lên tới 1,19 tỷ USD hạn chế các cơ hội dành cho phụ nữ để mở rộng và phát triển doanh nghiệp của mình.

Ngày 29/9, Hội thảo về Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp do Phụ nữ làm chủ với thị trường Đông Á do Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 tại TP Huế đã nêu lên nhiều vấn đề thú vị về doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

21 nền kinh tế thế giới đang tham dự nhiều phiên họp quan trọng tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 ở TP Huế từ 26-29/9
21 nền kinh tế thế giới đang tham dự nhiều phiên họp quan trọng tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 ở TP Huế từ 26-29/9

Kết luận từ một khảo sát thị trường do IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, thực hiện, ước tính nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện lên tới 1,19 tỷ USD hạn chế các cơ hội dành cho phụ nữ để mở rộng và phát triển doanh nghiệp của mình.

DNNVV đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, và 50% tổng số lao động cả nước. Theo Tổng điều tra doanh nghiệp năm 2015 của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 95.906 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, 42% hay 40.003 doanh nghiệp trong số này có quy mô vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô tương tự như các doanh nghiệp do nam giới làm chủ với doanh thu trung bình hàng năm tương tự nhau cho thấy doanh thu trung bình hàng năm của các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ là 548.000 USD so với 543.000 USD của các doanh nghiệp nhỏ do nam giới làm chủ; và 5,69 triệu USD đối với cac doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ so với 5,76 triệu USD đối với doanh nghiệp vừa do nam giới làm chủ.

Tuy nhiên, một phân khúc quan trọng của thị trường này – DNNVV do phụ nữ làm chủ - chưa được nhìn nhận đầy đủ. Quản lý và điều hành hoạt động của gần 45.000 DNNVV thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nữ doanh nhân tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm tương đương với các nam doanh nhân, và các doanh nghiệp của họ đang tăng trưởng với tốc độ trên 20%. Nhưng khi cần vay vốn ngân hàng, phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới.

Bản báo cáo với tiêu đề “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Quan niệm và tiềm năng” chỉ ra rằng, trong hai năm vừa qua, chỉ 37% DNNVV do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các khoản vay ngân hàng, so với 47% doanh nghiệp thuộc sở hữu của nam giới. Dù môi trường đầu tư trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, đa phần các ngân hàng hoặc cho rằng không cần đưa ra một cách tiếp cận riêng đối với các nữ doanh nhân, hoặc đánh giá phân khúc này là ít lợi nhuận hơn, nhiều rủi ro hơn và thiếu kỹ năng quản lý tài chính.

Các đại biểu về tham dự Hội thảo về Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp do Phụ nữ làm chủ với thị trường Đông Á ngày 29/9 tại TP Huế trong khuôn khổ APEC 2017
Các đại biểu về tham dự Hội thảo về Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp do Phụ nữ làm chủ với thị trường Đông Á ngày 29/9 tại TP Huế trong khuôn khổ APEC 2017

“Khảo sát này đã thay đổi nhìn nhận về khu vực DNVVN do phụ nữ làm chủ khi chỉ ra những thách thức khi phục vụ phân khúc này thật ra lại chính là cơ hội cho các ngân hàng và các nhà cung ứng dịch vụ nói chung, tạo điều kiện cho họ nắm bắt được một thị trường đang tăng trưởng của các nữ doanh nhân có năng lực; khai thác tiềm năng lớn còn chưa được phát huy của các nữ doanh nhân Việt Nam,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết.

Theo ông Kyle Kelhofer :“Đã đến lúc các ngân hàng cần nhìn nhận DNNVV do phụ nữ làm chủ là một phân khúc khách hàng chiến lược và riêng biệt, với những sản phẩm và dịch vụ được thiết kế phù hợp.”

Trên cơ sở này, IFC đã khuyến nghị, các ngân hàng hãy tìm hiểu kỹ hơn phân khúc chưa được chú trọng đầy đủ này, bằng cách xác định các nhu cầu và cơ hội tài chính cũng như phi tài chính cụ thể của các doanh nhân nữ là chủ các DNVVN. Đây chính là một phân khúc khách hàng chiến lược đặc biệt, và là một cơ hội kinh doanh lớn cho các ngân hàng hiện đang ít phục vụ thị trường này.

Các ngân hàng cần đào tạo về tính nhạy cảm giới cho nhân viên ngân hàng để họ hiểu rõ hơn các khía cạnh về giới trong hoạt động ngân hàng, ví dụ như những khác biệt về giới trong nhu cầu, sở thích, và hành vi tài chính, và khắc phục bất cứ định kiến nào có thể tác động đến hoạt động cung ứng dịch vụ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể cải thiện sản phẩm và dịch vụ dành cho DNNVV do phụ nữ làm chủ bằng cách hỗ trợ các hình thức cung cấp dịch vụ phi tài chính thích hợp dành cho nữ doanh nhân (tức là dịch vụ phát triển doanh nghiệp do các ngân hàng cung cấp), qua đó giải quyết các vấn đề như thiếu cơ hội tiếp cận tài chính, thông tin, kỹ năng và các thị trường mới.

Đại Dương