GS. Mark Kramer:

“Doanh nghiệp Việt vẫn sống trong bong bóng xã hội”

(Dân trí) - Cha đẻ của thuyết “Tạo lập giá trị chung” - Giáo sư Mark Kramer (Đại học Harvard) đã nhìn nhận như vậy khi nói về doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. “Không thể xây dựng nền kinh tế thịnh vượng chỉ bằng sự hỗ trợ ODA từ nước khác” - ông nói.

Tại hội thảo Tạo lập giá trị chung - định hướng vai trò của doanh nghiệp đối với cộng đồng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Friesland Campina tổ chức hôm qua (8/12), Giáo sư Mark Kramer đã đặt vấn đề về nhận thức của các doanh nghiệp về sự thịnh vượng trên sự thiệt hại của cộng đồng và kinh doanh ngày càng được xem như là một nguyên nhân chính gây nên các vấn đề xã hội, môi trường và kinh tế.

Thành công của doanh nghiệp gắn với giá trị vì cộng đồng

Giáo sư Mark Kramer khẳng định: “Thành công của xã hội và tổ chức, doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với nhau. Bởi, tính chất cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp dựa trên các điều kiện xã hội và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề xã hội”.
 
“Doanh nghiệp Việt vẫn sống trong bong bóng xã hội” - 1
Giáo sư Mark Kramer - người đồng sáng lập với Michael Poter về thuyết Tạo lập giá trị chung
 

Nói về giá trị chung, đây được xem là những chính sách và sự thực hành để đề cao tính cạnh tranh của một doanh nghiệp trong khi cùng lúc thúc đẩy phát triển điều kiện kinh tế và xã hội trong những cộng đồng mà doanh nghiệp đó hoạt động.

Giá trị chung phát triển xa hơn trách nhiệm cộng đồng và tính bền vững truyền thống. Trong đó, trách nhiệm cộng đồng như là hành vi đạo đức, sự minh bạch, sử dụng có cân nhắc các tài nguyên thiên nhiên và điều kiện làm việc công bằng là những yêu cầu thiết yếu cho bất kỳ sự thành công của doanh nghiệp nào. Giá trị chung tăng thêm cơ hội cải thiện điều kiện xã hội và môi trường hơn cả dấu ấn riêng của doanh nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp không hỗ trợ được

“Doanh nghiệp có thể tạo giá trị chung ở 3 cấp bậc: Nhận thức sản phẩm và thị trường; định rõ năng suất trong dây truyền giá trị; và kích hoạt sự phát triển đồng đều” - Giáo sư Mark Kramer cho hay.
 
“Doanh nghiệp Việt vẫn sống trong bong bóng xã hội” - 2
Các đại biểu lắng nghe bài diễn thuyết của GS Kramer

Dẫn chứng về sự kiến giải trên, Giáo sư Mark Kramer nhắc đến Novo Nordisk ở Trung Quốc với chương trình đào tạo khả năng phòng và chữa bệnh tiểu đường cùng với các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và các nhà lãnh đạo. Chương trình đã đưa ra những tư duy mới nhất cho các bác sĩ về phòng bệnh tiểu đường, sàng lọc, điều trị và giao tiếp với bệnh nhân. Họ nhắm đến các thành phố nhỏ, thực hiện chương trình Xe buýt tiểu đường nhằm nâng cao nhận thức bệnh nhân và hỗ trợ tư vấn tại chỗ. Đường dây nóng của NovoCare cho phép bệnh nhân tiếp cận các chuyên gia để giải quyết các thắc mắc; NovoCare Clup hỗ trợ giáo dục bệnh nhân, tập trung về phòng, chống, thay đổi lối sống và sử dụng có hiệu quả các sản phẩm insulin, bởi vậy cho đến nay đã có 280.000 bệnh nhân được hướng dẫn.

Giáo sư Mark Kramer cho biết: “Từ năm 1997, chương trình ước tính đã giảm chi phí chăn sóc sức khỏe ở Trung Quốc khoảng 700 triệu USD thông qua việc làm giảm các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Doanh thu của Novo Nordisk đã tăng khoảng 114 triệu đô la”.

Tại Việt Nam, cha đẻ của thuyết “Tạo lập giá trị chung” - Mark Kramer xem Friesland Campina (nhãn hiệu sữa Cô gái Hà Lan) như 1 trường hợp điển hình.

“Chương trình phát triển ngành sữa của Friesland Campina Việt Nam được ghi nhận như một hệ thống sản xuất sữa bền vững, là hình mẫu của việc tạo lập giá trị chung tại Việt nam, giúp phát triển năng lực, chính sách và thực hành cho các tổ chức, xung quanh việc phát triển bền vững, có lợi cho cả các nông hộ nhỏ lẫn quốc gia.

Với việc tạo lập giá trị chung thông qua chương trình phát triển ngành sữa suốt 15 năm qua, Friesland Campina Việt Nam có thể tự hào về những nỗ lực của mình trong việc tạo ra lợi ích chung to lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội, bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm từ sữa, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng địa phương nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho công ty” - Giáo sư Mark Kramer nhìn nhận.
 
“Doanh nghiệp Việt vẫn sống trong bong bóng xã hội” - 3

Xã hội có nhu cầu, mọi doanh nghiệp điều có cơ hội

Trên thực tế, tại Việt Nam đã và đang có nhiều doanh nghiệp bỏ qua việc tạo lập giá trị chung chỉ vì lợi ích kinh doanh của mình mà gây hại cho xã hội, cộng đồng. Đây được cho là điều đang đi ngược lại với xu thế hội nhập và phát triển.

Giáo sư Mark Kramer cho rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tránh được những lỗi mà các nước trên thế giới đã mắc phải. Có rất nhiều doanh nghiệp hiện đang suy nghĩ đến trách nhiệm để xây dựng xã hội, nhưng họ xây dựng doanh nghiệp như thế nào để thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội thì doanh nghiệp phải tạo lập giá trị chung, phải có trách nhiệm với cộng đồng, nên nghĩ đến những lợi ích lâu dài chứ đừng chỉ vì lợi ích của riêng mình.

Xã hội có nhu cầu thì mọi doanh nghiệp đều có cơ hội để tạo lập giá trị chung. Làm được những điều này thì sự can thiệp của Chính phủ về những quy định là vô cùng quan trọng. Đơn cử như chuyện vay vốn, Chính phủ phải có quy định chặt chẽ chứ không thể để các doanh nghiệp cứ vay rồi có nợ xấu mà không phải chịu trách nhiệm gì cả, đây cũng là trách nhiệm của VCCI.

Doanh nghiêp vẫn sống trong cái bong bóng trong xã hội mà đáng nhẽ họ có thể tham gia, giải quyết. Doanh nghiệp có tham gia các hoạt động từ thiện nhưng chỉ với tư cách ngoại vi. Ngay cả Tập đoàn lớn thì chỉ có 1-2 người thực hiện nhiệm vụ liên quan trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp thường coi trách nhiệm xã hội như nguồn gây ra chi phí gia tăng, ngăn cản sự phát triển.

Quan điểm kinh tế truyền thống đã dẫn ta đi lạc đường khi coi vấn đề xã hội nằm ngoài phạm vi kinh doanh. Nhưng thực tế nó lại có tác động đến phát triển của doanh nghiệp. Không phải tất cả nguồn lợi nhuận đều bình đẳng. Có ngùôn lợi nhuận đến từ cách làm cho môi trường, xã hội phát triển tốt hơn, nó bền vững và có quyền lực lớn hơn. Các tập đoàn trên thế giới đã bắt đầu kinh doanh khác đi.

Không thể xây dựng nền kinh tế thịnh vượng chỉ bằng sự hỗ trợ ODA từ nước khác mà phải tạo nhóm doanh nghiệp làm việc với nhau để cùng phát triển và tạo lập những giá trị chung vì cộng đồng” - Giáo sư Mark Kramer khẳng định.

Châu Như Quỳnh