Doanh nghiệp Việt ứng dụng "Hiệu ứng bánh đà" tạo thành công cho hệ sinh thái
(Dân trí) - "Hiệu ứng bánh đà" đã giúp Amazon đạt được giá trị vốn hóa gần 2.000 tỷ USD chỉ trong 25 năm dưới tay Jeff Bezos. Vận dụng hiệu ứng này, Gojek đã kiến tạo trải nghiệm số cho mô hình hệ sinh thái của kỳ lân này.
Từ bí quyết tăng trưởng đột phá của đế chế trăm tỷ
Trong cuốn sách kinh điển "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great), Jim Collins đã nhiều lần nhắc tới học thuyết về "Hiệu ứng bánh đà" (Flywheel effect). Đại ý của hiệu ứng bánh đà này là thành công của một công ty không đến từ sự đột phá bất ngờ, mà là vòng lặp kéo dài từ những thành công nhỏ.
Điều đó giống như bánh đà trong một cỗ máy luôn cần nhiều lực để quay những vòng quay đầu tiên, dần dà đến một điểm bùng phát, động năng được bảo tồn qua những vòng quay đó sẽ tạo ra mô-men để truyền lực cho các động cơ khác, giúp cỗ máy không ngừng tăng tốc dù không cần tác động lực từ bên ngoài. Nói cách khác, việc gia tăng lợi ích cho từng bên sẽ góp phần mang tới tăng trưởng chung cho toàn bộ cỗ máy.
Với hiệu ứng bánh đà, doanh nghiệp cần tạo một hệ sinh thái tổng thể, nhất quán, và sự phát triển của từng thành phần trong hệ sinh thái đó sẽ sinh ra động lực gia tăng cho toàn doanh nghiệp, giúp họ phát triển từ "tốt" thành "tuyệt vời". Amazon chính là ví dụ điển hình của việc áp dụng thành công "Hiệu ứng bánh đà", đưa doanh nghiệp này từ một nhà phân phối sách trực tuyến nhỏ bé trở thành một trong số ít những công ty vĩ đại của thế kỷ 21.
Đến việc tạo lập giá trị chia sẻ cho hệ sinh thái
Gojek là một trong những thương hiệu đã áp dụng thành công "Hiệu ứng bánh đà" đối với hệ sinh thái để đạt được tốc độ phát triển tốt. Từ một trung tâm kết nối các bác tài xế xe ôm ở Indonesia năm 2010 và ra mắt ứng dụng trên điện thoại vào năm 2015, Gojek đã nhanh chóng trở thành một siêu kỳ lân hàng đầu ở Đông Nam Á.
Công ty này đã sáp nhập với tập đoàn thương mại điện tử Tokopedia để trở thành tập đoàn GoTo, niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán vào đầu năm 2022, kết nối người tiêu dùng với 2,6 triệu đối tác tài xế và hàng triệu nhà hàng khắp khu vực thông qua một loạt các dịch vụ, từ vận chuyển và thanh toán điện tử đến giao đồ ăn, giao hàng và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
Tại diễn đàn Trải nghiệm số trong khuôn khổ sự kiện VSMCamp và CSMO Summit 2022 vừa qua, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, đã chia sẻ về cách Gojek vận dụng "Hiệu ứng bánh đà" để kiến tạo trải nghiệm số tích hợp cho hệ sinh thái của mình. Các "bánh đà" của Gojek không chỉ bao gồm các khách hàng mà còn là một cộng đồng đông đảo các đối tác, bao gồm các đối tác tài xế và nhà hàng.
"Khi có nhiều tài xế đăng ký trở thành đối tác của Gojek, ngoài việc họ sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện thu nhập, việc có nhiều tài xế cũng đồng nghĩa với việc người dùng ứng dụng có thể đặt xe nhanh chóng, dễ dàng hơn. Khi đó, sẽ có nhiều người chuyển sang sử dụng Gojek hơn, kéo theo số lượng đơn hàng cũng tăng theo, đồng thời thu hút thêm nhiều đối tác quán ăn, nhà hàng mới đăng ký. Với nhiều nhà hàng tham gia hệ sinh thái GoFood của Gojek, khách hàng lại có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, sẽ tiếp tục quay lại nhiều hơn. Nhìn vào bức tranh tổng thể, điều này mang đến sự tăng trưởng cho toàn bộ hệ sinh thái", ông Đức chia sẻ.
Để mang lại trải nghiệm tối ưu cho toàn bộ hệ sinh thái, Gojek tập trung vào việc phân tích, khai thác hệ thống dữ liệu khổng lồ nhằm tăng cường khả năng thấu hiểu khách hàng và các đối tác. Một trong các nỗ lực của Gojek là số hóa những thao tác thủ công trên ứng dụng, tự động hóa quy trình đăng ký; hỗ trợ cập nhật thông tin cho các đối tác; đẩy nhanh các bước nhận đơn, quản lý menu,… "Giá trị mà 'Học thuyết bánh đà' mang đến không dừng lại ở việc thúc đẩy tăng trưởng cho các bên và toàn hệ sinh thái. Hơn hết, mô hình này tạo ra hiệu ứng mạng lưới, rất khó để có thể sao chép hay vượt qua", ông Đức phân tích.
Mô hình Tạo dựng giá trị chia sẻ đã tạo ra sự phát triển bền vững của Gojek trong những năm qua cũng có thể được coi là một ứng dụng của "Hiệu ứng bánh đà". Theo đó, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh doanh và tạo ra tác động xã hội tích cực có sự cộng hưởng rất lớn. "Từ việc tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, chúng tôi có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận, nhờ đó doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, đổi mới, xây dựng sản phẩm mới để tạo ra nhiều giá trị mới tích cực hơn nữa, với một đích đến giá trị hơn cả lợi nhuận," ông Đức giải thích.
Ông Đức lấy ví dụ về các sáng kiến của Gojek như dự án "Để không ai bị bỏ lại phía sau" (đã hoạt động được 2 mùa) và "Quán nhỏ vượt sóng to" (năm 2022). Thông qua các hoạt động đào tạo về kỹ năng nghề và kỹ năng kinh doanh cho các cá nhân và hộ cá thể có thể khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực trực tuyến trên nền tảng GoFood, Gojek không chỉ trao thêm cơ hội gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho các đối tác, mà còn tạo nên "mô-men tăng trưởng" cho toàn hệ sinh thái, và rộng hơn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo ông Đức, để xây dựng hệ sinh thái phát triển, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những mục tiêu rõ ràng, phải xác định được khách hàng của mình là ai, họ cần gì và làm thế nào để giải quyết bài toán họ đang gặp phải.
"Khi Gojek mới thành lập, một trong những vấn đề đầu tiên mà các khách hàng ở khu vực Đông Nam Á hay gặp phải nhất là kẹt xe. Nếu lúc kẹt xe tắc đường mà ngồi ô tô thì chắc rất lâu mới tới được; nên cách di chuyển nhanh nhất là lên xe ôm, xe máy. Gojek là công ty đầu tiên trong khu vực ra mắt dịch vụ gọi xe 2 bánh cho khách hàng để giải quyết vấn đề này", ông Đức kể về sự ra đời của Gojek.
"Ngay từ những ngày đầu thành lập, Gojek xác định việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là một trong những hoạt động cốt lõi. Chúng tôi không ngừng tạo điều kiện kết nối hàng chục nghìn đối tác tài xế, nhà hàng với hệ sinh thái hàng triệu người dùng trên ứng dụng Gojek, qua đó góp phần hỗ trợ các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh", lãnh đạo Gojek cho biết thêm.
"Trong một công ty vĩ đại, lợi nhuận và dòng tiền cũng giống như máu và nước, nhưng chúng không phải mục đích cốt lõi của cuộc sống. Việc có một hệ tư tưởng cốt lõi sẽ giúp công ty vĩ đại trở nên trường tồn", đó là lời nhắc nhớ quan trọng mà Jim Collins nhấn mạnh khi nói đến "Hiệu ứng bánh đà" trong cuốn sách nổi tiếng của mình. Nhìn vào những gì mà Gojek đang làm, ta có quyền kỳ vọng vào những tác động tích cực tiếp theo mà nền tảng dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á này tạo ra trên hành trình tạo dựng giá trị chia sẻ cho toàn bộ hệ sinh thái của mình.