1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp Việt “kém” tận dụng ưu đãi!?

(Dân trí) - “Chính phủ ưu đãi cho doanh nghiệp điện tử 10 năm, nhưng sau 10 năm họ lại bán mình cho nước ngoài. Vô hình chung, những ưu đãi này lại giúp các DN ngoại. Trong khi DN nước ngoài không chỉ vận dụng chính sách tốt, mà còn “mặc cả” ưu đãi để xuống tiền đầu tư…”

Đó là nhận định được các chuyên gia Kinh tế đưa ra tại Hội thảo bàn về hội nhập của hai ngành thực phẩm và điện tử diễn ra ngày 29/6 tại Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Thực tế đáng buồn này đã và đang diễn ra đối với ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam nói riêng và DN Việt Nam nói chung. Theo báo cáo của CIEM, các hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam trong quá trình hội nhập dường như chưa được các DN nắm bắt và tạo dựng thành cơ hội. Trong khi đó, DN nước ngoài lại chủ động đàm phán, mặc cả ưu đãi để bỏ vốn.

Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng DN trong nước chậm chân và chậm thích ứng
Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng DN trong nước chậm chân và chậm thích ứng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
“Không phải là Chính phủ không đưa ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) trong nước mà do các DN không tận dụng được ưu đãi, khi cảm thấy yếu thế lại bán mình thành ra chính sách của Chính phủ lại vô tình ưu đãi cho DN nước ngoài”, ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM.

Theo ông Dương, ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp bị cấm trong WTO và các FTA thế hệ mới, hiện Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn hỗ trợ các DN về giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, xúc tiến thị trường tiêu thụ.
 
Tuy nhiên, ông Dương cũng nhấn mạnh, cơ chế cho vay tài chính, dư nợ vay của các ngân hàng đang là rào cản lớn đối với DN Việt Nam. Nhà nước cần có cơ chế đặc thù về vốn - lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho vay hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa vì thiết thực hơn.
 
Về ưu đãi và lợi ích của ưu đãi, theo các chuyên gia của CIEM đánh giá rằng, dù được tận hưởng quả ngọt chính sách, song những tác động lan tỏa của khu vực FDI, DN lớn là chưa có, ngoài vấn đề ngắn hạn là tạo việc làm. Các yếu tố như kích thích sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt xây dựng ngành, cụm ngành chuyên sâu là chưa có.

Trong khi các DN trong nước kém trong tận dụng ưu đãi thì DN nước ngoài lại khá thành công. Thậm chí, nhiều DN còn “mặc cả”, “loppy” ưu đãi từ địa phương đến trung ương mới chịu xuống tiền đầu tư. Các DN ngày càng nhận được nhiều “bổng lộc” ưu đãi song những đóng góp của họ đối với nền kinh tế Việt Nam còn cần xem xét.

Theo nghiên cứu của CIEM, Samsung khi đầu tư vào Việt Nam đã xin ưu đãi lớn. Để thực hiện dự án Samsung Electronics CE Complex với tổng vốn 1,4 tỷ USD, Samsung đã “đòi” 3 ưu đãi đặc biệt, có tính ngoại lệ theo quy định hiện hành.

Cụ thể họ “xin” miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng dự án; Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, hoặc cho tới khi tất cả các dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm còn 0% theo các cam kết trong ATIGA; Cơ chế ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan/thông quan…. Tổng giá trị miễn thuế theo đề xuất ước tính tương đương khoảng 15,5 triệu USD, bao gồm 7,5 triệu USD miễn thuế cho các đầu vào nhập khẩu dùng cho sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nội địa và 8 triệu USD miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên vật liệu xây dựng. Với dự án SEVT2 tại tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD, Samsung còn đề nghị có cảng chuyên dụng cho Samsung tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Trong khi đó, về thu ngân sách của Samsung lại tương đối thấp do mức miễn giảm thuế cao. Năm 2012, tổng mức thuế nộp ngân sách nhà nước (ròng) của Samsung là 680 tỷ đồng (bao gồm cả tiền thuế của các nhà thầu), sau khi trừ đi 2.524 tỷ đồng miễn giảm thuế (hoàn thuế VAT và miễn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp).

5 tháng đầu năm 2013, mức miễn giảm thuế của Samsung lên đến 18 triệu USD, còn mức đóng thuế ròng chỉ ở mức 17,3 triệu USD. Ưu đãi lớn là vậy, song sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị của Samsung và chuyển giao công nghệ còn hạn chế, chủ yếu tham gia vào các công đoạn sản xuất giản đơn.

Trường hợp Samsung không phải là cái tên duy nhất khi đưa ra nhiều ưu sách đối với Chính phủ Việt Nam, mà đề xuất giảm thuế của Toyota mới đây cũng đang là bài toán hóc búa cho Chính phủ, bởi không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phụ trợ trong nước mà còn cả hệ thống thuế áp dụng cho các doanh nghiệp khác.

Theo đó, Toyota đã đưa ra 5 đề xuất giúp duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018. Đáng chú ý trong số này là các đề xuất giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp Nhật Bản từ mức 15-25% theo cam kết WTO xuống 0%; đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ôtô và đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho xe lắp ráp CKD tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất xe trong nước và xe nhập khẩu.

Theo Ts. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Đúng là ngành điện tử đang được hỗ trợ nhưng người hưởng lợi chủ yếu là DN FDI. Chúng ta tự nguyện mở cửa, loại bỏ thuế trước lộ trình là điều đáng tiếc, giống như nhà mình đang to mà tự nguyện... cắt bớt cho nhỏ lại”.
 
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, với các DN nước ngoài, cần quy định rõ các ưu đãi này phải ràng buộc trách nhiệm và thực thi cam kết. Với những ưu đãi phá rào, đặc biệt thì cần phải theo dõi xem họ có thực hiện hay không?  Còn với DN trong nước, cần rút kinh nghiệm khi các chính sách hỗ trợ công nghiệp ô tô: cào bằng, ai cũng được hỗ trợ, thậm chí cứ dính đến làm phụ kiện cho ô tô là được ưu đãi về chi phí thuê đất, giải phóng mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”