Doanh nghiệp vận tải rậm rịch “đội trần” giá vé
(Dân trí) - Sau một thời gian "dền dứ" tăng giá, thông tin mới nhất từ các công ty kinh doanh vận tải 2 miền Bắc - Nam cho thấy: chuyện tăng giá vé là đương nhiên và không ít hành khách sẽ phải méo mặt!
Sau 4 lần tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải trong cả nước đã sẵn sàng “nói cho vuông” về chuyện tăng giá. Dù chưa đưa ra quyết sách cụ thể nào nhưng hầu hết các doanh nghiệp vận tải được hỏi đều khẳng định không thể không tăng.
Lý do giải thích cho việc tăng giá cước, các doanh nghiệp vận tải đều khẳng định đây là điều “cực chẳng đã” bởi giá xăng dầu leo thang chóng mặt khiến họ rơi vào tình cảnh: méo mặt nhìn nhau để chờ nhau cùng tăng giá.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong ngành vận tải hành khách, giá vé xe khách trong thời gian tới có thể “đội trần” ít nhất từ 7 - 10%. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định: chi phí xăng dầu thường chiếm tới 40 - 45% tổng chi phí vận tải.
Cụ thể trong 4 tháng qua, giá xăng đã tăng đến 30%, dầu diezen tăng 20%, như vậy không cách nào khác là các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước. Một số doanh nghiệp vận tải taxi đã tăng giá thêm 500 đồng/km và sắp tới là xe khách, xe du lịch.
Một xe bắt khách trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc trung tâm Tân Đạt, cho biết, đơn vị này hiện chưa đưa ra quyết sách nào vì phải “nhìn trước, ngó sau” các doanh nghiệp vận tải khác. Tuy nhiên, theo ông Sơn, mức tăng ít nhất cũng phải bù được tiền xăng tăng trong thời gian qua, song sẽ cố gắng chỉ tăng giá ở một số tuyến.
Các tuyến nóng được dự báo sẽ gồm Giáp Bát - Thái Bình, Giáp Bát -Thanh Hoá, Giáp Bát - Nam Định, Giáp Bát - Đò Quan, Giáp Bát - TPHCM (chất lượng cao và chất lượng thường), Hà Nội - Vinh…
Ông Nghiêm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Hà Nội cho biết, hiện tại công ty này vẫn chưa đưa ra phương án tăng giá vé cụ thể. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều hãng vận tải lớn tại miền trung, việc tăng giá vé sẽ khởi động trong thời gian từ vài tuần đến 1 tháng. Lý do là vì các công ty phải tiến hành một số thủ tục với các cơ quan chức năng, in lại vé…
Một chuyên gia trong ngành vận tải cho rằng việc các doanh nghiệp công bố giá vé mới vào thời điểm này là điều hoàn toàn dễ hiểu nhưng điều đáng nói là “thói quen” tự ý chặt chém vào những ngày cao điểm mới thực sự đáng lo ngại.
Theo chuyên gia này, đây mới thực sự là điều các nhà quản lý cần chấn chỉnh trong những ngày tới đây khi đang mùa dự thi đại học.
Phúc Hưng