Thanh Hóa:

Doanh nghiệp vận tải chưa phục hồi vì dịch lại điêu đứng do giá xăng tăng

Bình Minh

(Dân trí) - Chưa kịp phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục bị giáng một đòn mạnh khi giá xăng tăng dựng đứng.

Cắt giảm tối đa số xe chạy

Dịch Covid-19 xảy ra, có những thời điểm giãn cách, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Thanh Hóa phải dừng mọi hoạt động. Khi được phép hoạt động trở lại thì số hành khách lại ít. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động để đảm bảo mức lương cơ bản cho người lao động, cầm cự qua thời điểm khó khăn, thế nhưng giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trong những ngày vừa qua đã giáng thêm một đòn mạnh vào những nỗ lực của doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Thanh Hóa, nếu tiếp tục hoạt động với số lượng hành khách ít ỏi trong khi giá nhiên liệu tăng cao thì họ buộc phải bù lỗ. Lựa chọn được đưa ra của hầu hết doanh nghiệp là cắt giảm tối đa số lượng xe chạy mỗi ngày.

Doanh nghiệp vận tải chưa phục hồi vì dịch lại điêu đứng do giá xăng tăng - 1

Nhiều xe của Công ty Mai Linh Willer phải ngừng hoạt động (Ảnh: CTV).

Ông Đỗ Hồng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hải Hà, cho biết, đơn vị có 10 xe chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội. "Khách đi lại sau dịch không như các năm trước nữa, nhu cầu hầu như không có, lượng khách giảm 70-80%. Được ít ngày lễ Tết có khách nhưng cũng chỉ đủ để trang trải lương cho nhân viên, bảo trì xe…", ông Hải nói.

Theo ông Hải, biện pháp duy nhất lúc này là nhà xe giảm bớt nhân lực. Hiện nay chỉ có 30% trong tổng số 10 chiếc xe chạy, trước đây là một lái, một phụ, rồi nhân lực bến bãi nhưng nay thì cắt giảm người làm ở bến bãi, lái và phụ thay nhau. Nếu trước đây, mỗi nhân lực có 30 ngày công/tháng thì giờ chỉ luân phiên, mỗi người đi được 10 ngày công/tháng.

Cũng trong tình trạng tương tự, Công ty TNHH Mai Linh Willer cầm cự qua giai đoạn dịch bệnh, giờ lại tiếp tục đối mặt với giá xăng dầu tăng cao trong khi hành khách ít, đơn vị này phải cắt giảm tối đa số lượng xe chạy mỗi ngày, từ 11 xe chỉ còn duy trì hoạt động 1 đến 2 xe, nhằm giữ khách.

Thanh Hóa có 12 tuyến xe bus cố định với trên 200 đầu xe, nhưng hiện chỉ còn 6 tuyến với trên 70 xe có thể duy trì hoạt động ở mức cầm chừng, 6 tuyến buộc phải tạm dừng hoàn toàn. 

Công ty Vận tải ô tô Thanh Hóa quản lý 2 tuyến là tuyến số 1 và tuyến số 2 nhưng nhiều tháng nay tuyến số 1 buộc phải tạm thời đóng tuyến, tuyến số 2 tuy vẫn hoạt động nhưng cũng chỉ duy trì 7/21 xe. Với số lượng hành khách chỉ đạt từ 30-35% công suất hoạt động, đến thời điểm hiện nay khi giá xăng dầu tăng, nguồn thu không đủ chi, công ty phải chấp nhận bù lỗ để duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp mong có giải pháp hỗ trợ

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hải Hà mong muốn bình ổn giá xăng và cho thực hiện giảm 50% thuế môi trường ngay chứ không đợi đến 1/4 mới áp dụng.

Doanh nghiệp vận tải chưa phục hồi vì dịch lại điêu đứng do giá xăng tăng - 2

Lựa chọn được đưa ra của hầu hết các doanh nghiệp là cắt giảm tối đa số lượng xe chạy mỗi ngày.

Còn đại diện Công ty Mai Linh Willer thì đề xuất được tiếp cận các gói hỗ trợ vay từ Chính phủ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.

Theo ông Lê Xuân Long - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa - chịu ảnh hưởng kép của dịch Covid-19 kéo dài và giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho ngành vận tải thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản khi hàng trăm phương tiện buộc phải ngừng hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa cho biết, với các doanh nghiệp vận tải, hầu như từ năm 2021 đến nay chủ yếu cầm cự và giữ cho công nhân có công ăn việc làm nhằm mục đích sau khi dịch đi qua thì phục hồi kinh tế. Đặc biệt là vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, từ tháng 7/2021 đến nay thu không đủ bù chi.

Từ giữa tháng 1/2022 đến nay, các doanh nghiệp vận tải hành khách nói chung và đặc biệt hành khách công cộng không còn sức để bù đắp cho công nhân nữa.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa mong muốn tỉnh và các ngành tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vì tình trạng này không biết các doanh nghiệp còn có thể cầm cự trong bao lâu nữa.