Doanh nghiệp vẫn “đau đầu” với TMĐT

(Dân trí) - Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc quảng bá thương hiệu, xây dựng website để quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm, bán hàng… Tuy nhiên tham gia thương mại điện tử (TMĐT) ra sao và lựa chọn mô hình nào vẫn là một câu hỏi khó?.

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là lực lượng chiếm đại đa số - 97% trong tổng số trên 200.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Tuy nhiên rất ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư website để từng bước xây dựng thương hiệu cho mình.

Nhiều hướng đi cho TMĐT ở Việt Nam

Thống kê năm 2006 của Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết số người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 15,6 triệu người, tăng 36% so với năm 2005, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh trong các năm tới với sự phổ biến của các mạng băng rộng, và nhiều loại hình dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng. Đây chính là cơ sở cho thấy tiềm năng cũng như hiệu quả của phương thức kinh doanh và quảng bá “online” mang lại.

Nghịch lý là theo thống kê có trên 97% các doanh nghiệp Việt Nam chưa có website riêng hoặc nếu có thì đa số chỉ “khoe” web lên chứ không hề phát triển nội dung cũng như cập nhật thông tin bởi không có kinh phí hoặc không biết làm thế nào để quảng bá, các kỹ năng ứng dụng TMĐT cũng yếu dẫn tới một số hiện tượng “chết yếu”.

Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp năng động trong ứng dụng TMĐT đã chọn cho mình phương án khá tối ưu đó là tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Hình thức mua bán giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B) chiếm trên 90% giá trị giao dịch trên mạng.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp còn đắn đo về môi trường pháp lý cho TMĐT và các yếu tố vĩ mô khác, ngay từ những năm 2003 - 2004 đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử Alibaba.com (Trung quốc) hay EC21.com (Hàn quốc)… hay những sàn trong nước như Cổng Thương mại điện tử quốc gia www.ecvn.gov.vn, www.vietco.com, www.chodientu.com, www.didong.vn, www.vinamap.vn, ... để tìm bạn hàng và hợp đồng mới. Đáng chú ý một số sàn giao dịch hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp làm cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Ông Vũ Văn Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Vinamap cho biết: Vinamap được thiết kế như một cổng thông tin, tham gia vào hình thức này doanh nghiệp không còn phải lo lắng đến những khó khăn họ gặp phải trong việc xây dựng cho mình một website riêng, và công việc của họ duy nhất là kinh doanh và kinh doanh, nếu có phải chuẩn bị có chăng đó là một máy tính kết nối Internet! Ở đó cho phép doanh nghiệp tự giới thiệu mình, cũng như đăng tải các thông tin với cơ chế toàn quyền quản lý - một mô hình thường thấy tại các site thương mại điện tử lớn trên thế giới hiện nay.

“Việc có hẳn một website mô tả chi tiết và cập nhật thường xuyên về sản phẩm thì chưa phải website nào cũng có được. Thế nhưng khả năng chăm sóc khách hàng 24/7 và dành hẳn một “không gian” để khách hàng có thể tiến hành hội thảo trực tuyến, triển lãm dưới dạng một “gallery” trực tuyến qua Vinamap khiến TMĐT không dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm ở đây” - ông Viễn cho biết thêm.

Đi theo một hướng khác, ông Nguyễn Ngọc Tiến - Tổng Giám đốc Học hiệu Công nghệ và Giáo dục ngôn ngữ M.E.C Việt Nam lại tìm đến với TMĐT trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngữ và kỹ năng làm việc. Trao đổi với chúng tôi về áp dụng thành công TMĐT, ông Tiến luôn nhấn mạnh: “Ứng dụng TMĐT trong giáo dục với nhiều tiện ích chứ không phải thương mại hóa giáo dục”.

Trên trang www.mecvietnam.com luôn có đầy đủ lịch khai giảng, lịch thi, nội dung các khoá học tiếng Anh chuyên ngữ; cũng như các bài kiểm tra, test nhanh trên mạng cho học viên tìm hiểu. Điều đặc biệt ở mecvietnam là: hoàn toàn miễn phí truy cập. Theo ông Tiến, bất kỳ người hiếu học nào trên mọi miền của Tổ quốc đều có thể trở thành học viên trực tuyến của M.E.C Việt Nam.

Như vậy, thông qua TMĐT, người học có thể vừa chủ động tự nâng cao kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng làm việc vừa tiết kiệm được thời gian hơn. Nhiều học viên đã rất hài lòng về chuyên mục giải đáp kiến thức và cách tra lịch học trên web phù hợp với công việc hiện tại của mình.

Dẫn ra sự tiện lợi của TMĐT trong mua bán qua mạng. Ông Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Sàn giao dịch và so sánh giá sản phẩm www.didong.vn cho biết, khách hàng đến với website của ông có thể dễ dàng so sánh giá bán một sản phẩm tại nhiều cửa hàng khác nhau, hoặc có thể nhắn tin kiểm tra giá thấp nhất từ SMS 8398. Hơn nữa, sự trợ giúp từ tư vấn trực tuyến hoặc tư vấn qua tổng đài 1900 56 1585 khách hàng có thể dễ dàng chọn cho mình sản phẩm ưng ý nhất.

Để đặt mua hàng không chỉ đặt hàng trực tuyến khách hàng cũng có thể gọi đặt hàng qua tổng đài hoặc nhắn tin qua SMS, cuối cùng sẽ có người mang hàng đến tận nhà cho khách. Theo ông Khanh đây cũng chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa didong.vn với các website TMĐT khác.

Trả lời câu hỏi về việc lừa đảo trong mua bán trực tuyến xảy ra khá nhiều thời gian qua, ông Khanh cho rằng thực chất việc mua bán trên mạng sẽ rất an toàn nếu bạn lựa chọn dịch vụ một cách kỹ lưỡng nhất là về xuất sứ sản phẩm cũng như độ tin cậy của trang web.

Bùng nổ của TMĐT chỉ còn là… thời gian

Theo thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, mở cửa nền kinh tế mà không ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) thì cơ hội mở rộng thị trường là rất khó khăn. Hãy hình dung, khi các nước triển khai tốt TMĐT, hàng hóa của họ vào Việt Nam dễ dàng nhưng chúng ta lại không biết khai thác TMĐT hiệu quả, vậy chẳng hóa ra chúng ta tự bó buộc mình.

“Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ cùng với sự hội nhập toàn diện của nền kinh tế, chắc chắn trong vài năm tới, thương mại điện tử sẽ bùng nổ ở Việt Nam” - Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) đã cho biết như vậy tại một hội thảo về TMĐT.

Tuy nhiên hoạt động thương mại điện tử mới chỉ manh nha ở các doanh nghiệp lớn, đại đa số các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam vẫn đang nằm ngoài guồng quay của phương thức kinh doanh hiện đại này.

“Người truy cập internet nhiều nhưng chưa có thói quen mua hàng trực tuyến: Một phần do thông tin trên mạng bát nháo, ko được cập nhật, dẫn đến khách hàng không tin tưởng; một phần do chưa có thanh toán trực tuyến hỗ trợ, chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin và tiềm năng” - ông Nguyễn Công Khanh cho biết.

“Để cuốn hút người tiêu dùng, lần đầu tiên tại Việt Nam, Vinamap đưa ra chương trình “Nhận xét có thưởng” khá hấp dẫn. Khách tham gia chỉ cần đưa ra những nhận xét xác đáng về một hoặc nhiều doanh nghiệp, sản phẩm quan tâm là đã có trong tay nhiều giải thưởng đầy mong đợi” - ông Viễn nói về cách thu hút người dân đến với TMĐT của công ty mình.

Rõ ràng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng theo dự báo, đến năm 2010, cả nước sẽ có khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng thành công TMĐT; 10% hộ gia đình từ thành phố, vùng nông thôn đến các hải đảo xa xôi chuyển sang hình thức mua bán dịch vụ trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, để thương mại điện tử ở Việt Nam thực sự bùng nổ đúng nghĩa, các cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm. Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Viễn cho biết: DN cũng thấy lo sợ trước các tranh chấp xuất phát từ các giao dịch qua mạng vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Các nhà xây dựng chính sách thì chưa có cơ sở để ra các văn bản pháp luật sát với thực tế, còn thực tế lại mong chờ các chính sách để hoạt động.

Chính phủ VN đã cam kết sẽ phát triển TMĐT, nhưng việc này thành công đến đâu còn phụ thuộc vào tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. TMĐT trong những năm gần đây đã có những chuyển biến đáng kể. Điều này dự báo hiện thực của sự bùng nổ của TMĐT chỉ còn là vấn đề thời gian

Minh Tuấn