Trước áp lực từ thép Trung Quốc giá rẻ:

Doanh nghiệp trong nước phải tính toán lại giá

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang chịu áp lực phải giảm giá thép khi thép Trung Quốc giá rẻ đâng ồ ạt vào VN. Và một thực tế, sức ép cạnh tranh về giá của thép này mới chỉ là “dạo đầu”, tới đây tình hình sẽ còn quyết liệt hơn khi VN là thành viên WTO.

Thép TQ giá rẻ

 

Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết hiện có khoảng vài ngàn tấn thép cuộn sắp về cảng Hải Phòng. Dù lượng thép nhập khẩu chỉ chiếm 10-15% nhu cầu thị trường nhưng các DN cũng “lên ruột” vì giá rẻ hơn trung bình 300.000 đồng/tấn, chỉ ở mức 7-7,1 triệu đồng/tấn.

 

“Lo lắng của các doanh nghiệp là có cơ sở vì thép nhập khẩu từ TQ lần này không phải là thép “đểu”, đều là hàng có tên tuổi” - ông Cường nói. Hiện sức ép từ thép TQ đang đè nặng lên các DN thép ở phía Bắc nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, sức ép này cũng có thể lan đến các DN ở phía Nam vì người tiêu dùng chỉ chấp nhận những sản phẩm có mức giá hợp lý.

 

Ông Phạm Chí Cường cho biết ngày 8/9 VSA sẽ làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh (VCAD - Bộ Thương mại), trong đó đề cập đến việc có hay không doanh nghiệp TQ bán phá giá thép vào thị trường VN.

 

“Thông qua các chứng cứ mà VSA thu thập được, VCAD sẽ cho chúng tôi biết sự việc như vậy có phải là bán phá giá hay không, nếu có, VSA phải làm những thủ tục gì để có thể khởi kiện” - ông Cường nói.

Vì sao giá phôi thép và giá thép cuộn thành phẩm từ TQ lại ngang nhau? Theo ông Cường, thời gian qua ngành thép TQ phát triển quá nóng, mỗi năm sản xuất 300-400 triệu tấn thép, dẫn đến tình trạng dư thừa.

 

Trong khi đó, TQ đang tiến hành chấn chỉnh ngành thép, khuyến khích xuất khẩu thép thành phẩm thay vì xuất khẩu phôi. Từ đó, TQ đã áp dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu phôi thép cao hơn thép thành phẩm để khuyến khích xuất khẩu thép thành phẩm. Với chính sách này, từ chỗ TQ luôn “khát thép”, nay tình hình đã đảo ngược hoàn toàn.

 

Việc điều chỉnh này đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thép của nhiều nước, trong đó có VN. Ngay Hàn Quốc, có thế mạnh về sản xuất thép cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, theo hiệp định thương mại ASEAN + TQ, áp dụng từ tháng 6/2006, phôi hoặc thép thành phẩm nhập từ TQ sẽ có thuế suất lần lượt là 5% và 10%. Thị trường thép đã mở ra, hàng đóng đủ thuế là có thể tiêu thụ tại VN.

 

Sức ép phải giảm giá

 

Theo các chuyên gia, để đối phó với thép TQ, các DN trong nước phải nhanh chóng tìm nguồn phôi nhập khẩu khác ngoài TQ để tránh bị ép giá như hiện nay. Cũng có thể chủ động nguồn phôi thép thông qua tăng sản lượng ở các nhà máy sản xuất phôi thép trong nước, với các nhà máy đang sản xuất thử thì cũng cần sớm cho ra sản phẩm.

 

Hiện mỗi năm các DN thép phải nhập khoảng 2 triệu tấn phôi. Theo tính toán, nếu chủ động được nguồn phôi thép, một tấn phôi “made in VN” sẽ có giá rẻ hơn phôi nhập khẩu từ 30-40 USD/tấn.

 

Bên cạnh đó, các DN cũng cần phải cắt giảm chi phí sản xuất. “Không lý do gì gia công một tấn phôi phải mất 50-60 USD. Thực tế có DN chỉ mất 30-40 USD/tấn khi gia công phôi thành thép thành phẩm. Chỉ có giảm chi phí thì mới có thể tồn tại trước áp lực thép nhập khẩu vào VN có giá khá cạnh tranh”- ông Cường nói.

 

Theo ông Lê Đăng Phong, phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty liên doanh thép Vinakyoei: sự kiện thép TQ có giá rẻ nhập vào VN đáng để các DN trong nước suy nghĩ, phải tính lại về giá thành sản phẩm. Thực tế, sức ép cạnh tranh về giá của thép TQ chỉ là “dạo đầu”, tới đây tình hình sẽ còn quyết liệt hơn khi VN là thành viên WTO.

 

Theo T.V.Nghi

Báo Tuổi trẻ