Doanh nghiệp phương Tây ở Nga như “ngồi trên đống lửa”

(Dân trí) - Nếu Mỹ và châu Âu tăng cương trừng phạt Nga, nền kinh tế nước này sẽ phải đối mặt với hậu quả không nhỏ. Khi đó, khả năng Moscow trả đũa bằng cách nhằm vào các doanh nghiệp phương Tây đang làm ăn ở nước này là không thể loại trừ.

Nhiều công ty năng lượng lớn của phương Tây đang làm ăn tại Nga.
Nhiều công ty năng lượng lớn của phương Tây đang làm ăn tại Nga.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Doanh nghiệp phương Tây ở Nga như “ngồi trên đống lửa"

* Đường ống dẫn nước sạch Sông Đà vỡ lần thứ 6

* "Vinamilk luôn tuân thủ pháp luật về giá sữa"

* Obama: "Triều Tiên là mối đe dọa với Mỹ và khu vực

“Chắc chắn Nga sẽ trả đũa”, ông Justin Logan, Giám đốc nghiên cứu về chính sách đối ngoại thuộc viện nghiên cứu Cato Institute của Mỹ, nhận định trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC. “Các công ty có tiền ở Nga sẽ gặp thách thức ở đó”.

Nhà Trắng cho biết, vào ngày thứ Sáu (25/4), Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Italy đã nhất trí trong một cuộc điện đàm về bổ sung trừng phạt Nga nếu Moscow tiếp tục đẩy căng thẳng ở Ukraine leo thang.

Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài ở Nga chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng, nơi có sự hiện diện của các tập đoàn khổng lồ như Shell của Hà Lan, Exxon của Mỹ, và BP của Anh.

Hiện Shell đang hợp tác với tập đoàn khí đốt quốc doanh của Nga Gazprom về chiết xuất khí tự nhiên ở nước này. Exxon có dự án hợp tác thăm dò dầu khí trị giá nhiều tỷ USD với tập đoàn dầu lửa Rosneft do Chính phủ Nga nắm quyền kiểm soát. Trong khi đó, BP nắm cổ phần gần 20% trong Rosneft.

“Shell và Exxon đều có tài sản ở Nga. Nhưng về cơ bản, BP có sự hiện diện lớn nhất tại thị trường này”, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao Fadel Gheit thuộc công ty nghiên cứu Oppeinheimer nói.

Trong trường hợp cuộc đấu kinh tế giữa Moscow và phương Tây leo thang, BP có thể là công ty đa quốc gia thiệt hại nặng nề nhất. Tuy vậy, hãng này đã có nhiều bài học ở Nga, điển hình là dự án hợp tác với Rosneft mang tên TNK-BP bị sụp đổ, nên chắc chắn có sự chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

“BP đã từng gặp rắc rối ở Nga. Họ đã trải qua những vấn đề chính trị nghiêm trọng ở đây”, ông Nicholas Sprio, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Sprio Sovereign Strategy, đánh giá. “Trong số tất cả các công ty nước ngoài ở Nga, có lẽ BP là công ty chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho những điều xấu có thể xảy đến”.

Ông Sprio cho rằng, một số công ty Đức cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang lên những nấc mới. “Các công ty Đức có sự hiện diện lớn ở Nga”, ông Sprio nói và điểm những cái tên như BASF, RWE và Siemens.

Tập đoàn BASF hiện đang làm việc với Gazprom để hoàn tất một thỏa thuận trong đó BASF nắm cổ phần trong các mỏ dầu ở vùng Siberia. RWE đã đạt thỏa thuận sơ bộ về bán mảng khí đốt cho hai tỷ phú Nga Mikhail Fridman và German Khan. Siemens có quan hệ đối tác với tập đoàn đường sắt quốc doanh độc quyền của Nga là Russian Railways.

Vào cuối tháng trước, Giám đốc điều hành (CEO) của Siemens là Joe Kaeser có chuyến đi tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại tư dinh và bày tỏ sự ủng hộ đối với “mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau” với các công ty của Nga.

Ông Spiro cho rằng, kết quả từ những tương tác như vậy giữa các công ty của Đức với Nga có thể báo trước số phận của những thương vụ trong tương lai giữa Nga và các công ty của châu Âu  nói chung. Chuyên gia này nhận định, nếu Nga trả đũa các đòn trừng phạt của châu Âu, thì các công ty Đức sẽ chính là đối tượng đầu tiên lãnh hậu quả, xét tới mối quan hệ lịch sử và vai trò của Đức là đầu tàu kinh tế châu Âu.

Ông Art Hogan, trưởng bộ phận chiến lược thị trường thuộc công ty Wunderlich Securities, đồng tình với quan điểm trên. “Sự trả đũa sẽ bắt đầu với Đức và lan sang các nước khác. Đức có quan hệ thương mại lớn nhất với Nga và là nước có tỷ lệ nhập khẩu năng lượng lớn nhất từ Nga”, ông Hogan nói.

Còn theo ông Barry Ickes, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, ngoài các công ty Đức, còn có một số tập đoàn lớn của Mỹ không thuộc ngành năng lượng đang làm ăn ở Nga, như hãng nhôm Alcoa hay hãng sản xuất máy bay Boeing.

Alcoa hiện có các cơ sở đúc nhôm ở Nga, còn Boeing có một trung tâm thiết kế ở Moscow và liên doanh với VSMPO-Avisma - nhà sản xuất titanium lớn nhất thế giới của Nga.

Nghị viện Nga cũng đã đề xuất trả đũa các công ty thanh toán quốc tế như hai hãng thẻ Mỹ Visa và Mastercard bằng cách áp các khoản “phí an ninh” mang tính phủ đầu. Mục đích được đưa ra cho các khoản phí này là phòng ngừa sự gián đoạn tài chính có thể xảy ra trong tương lai.

Nga hiện vẫn đang nỗ lực xây dựng hệ thống thanh toán nội địa của riêng mình để cạnh tranh với các công ty thanh toán quốc tế. Tuy vậy, ông Ickes cho rằng, dù Nga có xây dựng được hệ thống thanh toán riêng, thì hệ thống đó vẫn khó lòng vượt qua được ảnh hưởng của các hãng lớn như Visa và Mastercard.

Phương Anh
Theo CNBC

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước