Doanh nghiệp khốn khổ vì USD xuống giá
Tỷ giá USD/VND xuống từng ngày đang gây sóng gió cho cả ngân hàng và doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Tỷ giá USD/VND mua vào tại các ngân hàng thương mại công bố đều là 15.861 đồng/USD - mức sàn theo quy định của ngân hàng Nhà nước.
Giá thực tế khác công bố
Nhưng trên thực tế, các ngân hàng đều mua vào thấp hơn trung bình 200 – 500 đồng/USD. Tại ngân hàng ACB, giá mua vào thực tế là 15.401 đồng/USD (do có phí quản lý ngoại tệ là 460 đồng/USD). Ngân hàng Đông Á phí là 2,3%, tính trung bình 100 USD thì “mất” 2,3 USD. Ngân hàng Sacombank tính phí 331 đồng/USD, giá mua vào thực tế là 15.530 đồng/USD. Ngân hàng Phương Nam lấy phí 2,5%/USD, ngân hàng HSBC lấy phí 1,8%/USD... Còn ngân hàng SeABank TPHCM hôm qua công bố tạm ngừng mua USD vào.
Tại nhiều ngân hàng, khi thấy người dân đẩy mạnh bán USD, ngân hàng đã điều chỉnh phí tăng lên trong ngày và cách ngày. Nếu người bán USD thắc mắc vì sao lúc trước không có thu phí, ngân hàng giải thích do tỷ giá biến động mạnh, nên ngân hàng phải thu thêm phí quản lý ngoại tệ.
Theo bà Phạm Thị Hoài Thu, giám đốc tài chính công ty may Sài Gòn 3, hiện các ngân hàng thương mại mua USD theo kiểu nhỏ giọt, công ty chỉ bán được 5.000 – 10.000 USD/lần nên công ty khan hiếm tiền đồng. Mỗi tháng, may Sài Gòn 3 phải chi tổng quỹ lương khoảng 7 tỉ đồng. Chưa kể những chi phí lưu động khác trong kinh doanh cần phải dùng VND.
Để có VND, công ty buộc phải bán USD thành nhiều đợt. Ngoài số USD mà các ngân hàng thương mại mua theo định mức, để bán thêm công ty phải chi thêm cho ngân hàng từ 1,5 - 2% tổng số USD muốn bán”.
“Không những chúng tôi bị mất đi khoảng chênh lệch về tỷ giá do đồng USD mất giá, bán ngoại tệ ra, chúng tôi còn mất thêm khoản phí này cho ngân hàng”. Bà Thu nói, trong đợt giao dịch mới nhất của công ty vào ngày 12.3, để bán 1 USD, công ty phải mất 400 đồng cho ngân hàng.
Tuy mua vào với giá thấp, nhưng ngân hàng lại bán ra đúng với giá công bố. Thí dụ, tỷ giá công bố ngày hôm qua là 15.861 đồng/USD, thì ngân hàng mua vào giá 15.400 đồng/USD và bán ra vẫn với giá 15.861 đồng/USD. Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, tuỳ vào mối quan hệ khách hàng mà ngân hàng “nhẹ tay” nâng hoặc giảm giá.
Doanh nghiệp tự cứu
Để tự “cứu” mình trước, công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản An Giang (Agifish) đang đàm phán với những nhà nhập khẩu khác dùng đồng tiền của những quốc gia nhập khẩu để thanh toán cho công ty, nhằm giảm áp lực đồng USD.
Còn công ty may Sài Gòn 3 cũng đang đàm phán với những nhà nhập khẩu nhằm chuyển việc thanh toán các hợp đồng xuất khẩu từ USD sang euro.
Theo bà Phạm thị Việt Nga, tổng giám đốc công ty cổ phần dược Hậu Giang (DHG), 30 – 40% nguyên phụ liệu của công ty phải nhập khẩu bằng đồng euro, và lãi vay ngân hàng lại tăng, nên DHG đang gặp khó khăn vào thời điểm này.
“Nếu đòi đổi qua USD thì người bán hàng cho mình không chịu vì họ cũng biết là USD rớt giá. Trong khi đó, 300 mặt hàng của DHG không thể tăng giá ngay gây phản cảm cho người tiêu dùng”, bà Nga nói. Bà Nga dự kiến, trong đại hội cổ đông thường niên sắp tới, DHG sẽ trình ý kiến xin điều chỉnh lợi nhuận kế hoạch 2008.
Trong lúc đó, ông Lê Văn Bình, phó tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cho rằng, biến động tỷ giá USD/VND không ảnh hưởng gì đến công ty. Bởi công ty ông xuất hàng qua nhiều thị trường, mỗi thị trường thanh toán ngoại tệ khác nhau, nên không bị phụ thuộc vào USD nhiều. Đồng thời, các hợp đồng xuất hàng đã được ký với tỷ giá được “chốt”, nên không ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.
Kiến nghị "xử" ngân hàng
Ông Ngô Phước Hậu, tổng giám đốc Agifish, nói: “Chúng tôi mong muốn các ngân hàng mua hết USD bằng với tỷ suất liên ngân hàng để cứu các doanh nghiệp xuất khẩu qua giai đoạn khó khăn này”.
Hiện Agifish đang phải bán cầm chừng những đồng USD, với giá cả “thoả thuận” với ngân hàng thương mại. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) sẽ tổ chức họp khẩn vào 15/3, sau khi đã kiến nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại mua toàn bộ số ngoại tệ của các doanh nghiệp ngành này với tỷ giá do nhà nước công bố.
Ông Thái Tuấn Kiều, phụ trách kinh doanh của công ty dệt may Thái Tuấn cho biết, lợi nhuận công ty năm nay sẽ bị thiệt hại ít nhiều. “Chúng tôi sẽ phải cân đối lại chi phí về phía khách hàng”, ông cho hay.
Hôm 12/3 vừa qua, Bộ Công Thương và ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp nhằm đưa ra một số giải pháp cấp bách để “cứu” các doanh nghiệp xuất khẩu đang bị thiệt hại nặng nề do tỷ giá USD/VND giảm mạnh.
Những giải pháp cụ thể sẽ được Bộ Công Thương chính thức thông báo vào ngày 14/3 tại cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức tại TPHCM.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, bộ đã kiến nghị ngân hàng Nhà nước yêu cầu và có biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua toàn bộ ngoại tệ mà các doanh nghiệp thu được từ xuất khẩu theo tỷ giá nhà nước công bố.
Đồng thời, có biện pháp xử lý ngân hàng thương mại mua bán ngoại tệ thấp hơn tỷ giá công bố của ngân hàng Nhà nước.
Thep Hồng Sương - Sơn Nghĩa
Báo SGTT