Doanh nghiệp điện lạnh muốn sửa thuế

Ngày 10/6, Hiệp hội DN điện tử VN triệu tập cuộc họp nhằm tìm biện pháp tháo gỡ cho các DN điện lạnh, điện gia dụng trong nước sau khi Chính phủ có quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho 6 mặt hàng điện lạnh, điện gia dụng Thái Lan xuống 0 - 5%.

Những điều cần gỡ

Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch hiệp hội cho biết: Các DN trong nước đang phải NK các loại linh kiện, cụm linh kiện và nguyên liệu để sản xuất máy điều hoà không khí, máy giặt, tủ lạnh với thuế suất: Máy điều hoà không khí từ 15 - 30%; tủ lạnh: 15 - 30% và máy giặt là 50%.

Trong khi NK nguyên chiếc những sản phẩm này từ Thái Lan và các nước ASEAN chỉ còn chịu mức thuế từ 0 - 5%, sẽ làm các DN trong nước phải chịu thuế NK cao hơn từ 3 đến 4 lần, do đó sẽ làm giảm sút nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các DN VN.

Ông Sung Nak-Kil – Tổng giám đốc LG-Meca đề nghị: "Để cạnh tranh được với các sản phẩm NK từ Thái Lan, Singapore... cần có khoảng cách chênh lệch tối thiểu 5%. Đồng thời, VN cần có một tiêu chuẩn riêng để thông qua đó bảo hộ cho các sản phẩm của DN trong nước".

Ông Sung Nak-Kil còn cho biết: Nếu không làm được như vậy, LG-Meca muốn tồn tại sẽ phải trở thành Cty NK hàng điện tử, điện lạnh.

Tổng giám đốc Cty liên doanh Nagakawa VN Nguyễn Đức Khả bức xúc: "Thuế NK nguyên chiếc xuống rất thấp mà thuế NK linh kiện cao là vô lý. Với tâm lý thích dùng hàng ngoại của người tiêu dùng thì việc hạ thuế như vậy sẽ biến VN thành thị trường tiêu thụ".

Cũng theo ông Khả, bên cạnh chính sách thuế như vậy đi kèm với công nghiệp cơ khí còn yếu, năng lực sản xuất còn kém thì không nhà sản xuất nào dám mạo hiểm đầu tư...

Sẽ không thua, nếu hợp tác

Giải đáp những băn khoăn của DN, ông Quách Đức Pháp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính cho biết: Thuế NK nguyên chiếc trước đây là 40 - 50%, NK phụ tùng 15 - 30%, nếu các DN có tỉ lệ nội địa hoá cao thuế NK linh kiện chỉ từ 5 - 15%.

Do yêu cầu của hội nhập kinh tế và thực hiện các cam kết quốc tế, Nhà nước phải hạ thuế NK nguyên chiếc xuống còn 0-5%, bỏ thuế nội địa hoá..., vấn đề này không chỉ riêng đối với điện lạnh mà cả với các mặt hàng ôtô, sản phẩm điện tử, xe máy...

Ông Pháp nhấn mạnh: Sẽ thay từ thuế cụm linh kiện (CKD) bằng tính thuế các chi tiết theo nguyên tắc "Cái gì làm được rồi thì bảo hộ, còn những thứ không làm được thì mở cửa". Theo đó, các DN cần hợp tác với Bộ Tài chính để xác định rõ những linh kiện nào sản xuất được rồi thì vẫn áp thuế cao để bảo hộ nhà sản xuất; những linh kiện có sản xuất được, nhưng chưa nhiều thì đánh thuế thấp và những linh kiện chưa sản xuất được thì không đánh thuế. Yêu cầu các DN phải xác định nhanh vì thời gian còn rất ngắn.

Theo Lao động