Doanh nghiệp CPN đã sẵn sàng hội nhập WTO
(Dân trí) - Các doanh nghiệp chuyển phát nhanh (CPN) cả “nội” và “ngoại” đang đón nhận làn sóng hội nhập với những tâm trạng khác nhau, thế nhưng tất cả đều chung một nhận định: Thị trường CPN Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau WTO.
Chưa đầy 20 giờ sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO, ngày 8/11/2006, Chính phủ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL-VNPT, công ty liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh được cấp phép. Như vậy là cánh cửa hội nhập trong lĩnh vực CPN đã được mở.
Việc Việt Nam gia nhập WTO được các doanh nghiệp nước ngoài coi là một tín hiệu tốt để tăng tốc phát triển thị trường CPN ở Việt Nam. Đại diện của hai tập đoàn CPN hàng đầu thế giới là DHL và Fedex cùng quan điểm khi cho rằng, sau WTO vấn đề hạn ngạch được xóa bỏ sẽ kéo theo nhu cầu về dịch vụ vận chuyển rất lớn.
Theo cam kết gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được nắm quyền chi phối trong các liên doanh (51%) ngay sau khi gia nhập, sau năm 5 các doanh nghiệp nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn và được đối xử bình đẳng trong kinh doanh như doanh nghiệp trong nước.
Gia nhập WTO Việt Nam đang mở rộng cửa thị trường và sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh lớn hơn cho các doanh nghiệp CPN. |
Với doanh nghiệp trong nước, trả lời phỏng vấn báo chí, bà Đặng Thị Bích Hoà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS P&T) cho rằng, cam kết gia nhập WTO không phải là một nguy cơ quá lớn đối với dịch vụ CPN của VNPT, ít nhất là trong 5 năm đầu tiên, bởi sau hội nhập chỉ có dịch vụ EMS quốc tế là bị cạnh tranh gay gắt. Các công ty nước ngoài chỉ thực sự chi phối thị trường CPN Việt Nam khi họ chính thức được thành lập các doanh nghiệp 100% vốn, tuy vậy các công ty trong nước cũng cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Một số doanh nghiệp CPN khác của Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng liên doanh, hợp tác với các hãng chuyển phát quốc tế đồng thời triển khai các dịch vụ mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Một trong số đó - công ty TNHH Thương mại và CPN Hợp Nhất, từ 1/1/2007, đã cho ra mắt đồng thời 3 dịch vụ mới: Dịch vụ phát trong ngày, hẹn giờ, phát theo yêu cầu của khách hàng, trong vòng 1 ngày; Dịch vụ cước đầu người nhận giúp người nhận và người gửi cùng chia sẻ chi phí cho gói hàng; Dịch vụ chuyển phát nhanh giá rẻ Vietnam - Singapore với lợi thế từ việc liên minh được cùng ngành bưu chính viễn thông Singapore nên thời gian chỉ trong vòng 2 ngày.
Đại diện Hợp Nhất cho rằng muốn tồn tại và hội nhập WTO không có cách nào khác là doanh nghiệp phải tự làm mới mình bằng các dịch vụ ưu việt cho khách hàng lựa chọn. Điều này sẽ tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty CPN nói chung và các công ty CPN đa quốc gia cũng sẽ tạo nên áp lực đối với các công ty trong nước.
Tuy nhiên có một thực tế đáng quan tâm khác cho các công ty CPN qua việc khảo sát nhu cầu khách hàng là hầu hết các bưu phẩm CPN là tài liệu, văn bản có giá trị nên yếu tố thời gian đặc biệt quan trọng. Vì vậy, rất nhiều “thượng đế” sẵn sàng trả những khoản phí cao để bưu phẩm, tài liệu được gửi đúng thời gian cần thiết.
Đó là lý do mà ngành bưu chính viễn thông nói chung và các công ty CPN “nội” nói riêng phải không ngừng đẩy mạnh các hình thức chuyến phát mà tiêu chí trước tiên là nhanh chóng và đảm bảo, rồi sau đó mới tính đến giá cả. Vì việc xuất hiện các công ty CPN nước ngoài sẽ buộc các công ty trong nước thay đổi phong cách phục vụ nếu không muốn mất thị trường.
Năm 2006, dịch vụ CPN có bước tăng trưởng rất mạnh, doanh nghiệp có mức tăng thấp nhất cũng đạt trên 20%. Tất cả những lý do đó hứa hẹn năm 2007, dịch vụ này sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa.
Minh Tuấn - Thanh Ngọc