Doanh nghiệp có trăm lý do để không giảm giá
Các nhà phân phối lớn tại Hà Nội như BigC, Intimex, Fivimart, tập đoàn Phú Thái cho biết hiện họ vẫn chưa nhận được công văn của bất cứ nhà cung cấp, nhập khẩu nào về việc giảm giá sản phẩm. Đa phần giá các mặt hàng đã tăng từ trước đó và được duy trì đến nay.
Nguyên nhân được các nhà phân phối này đưa ra là cần phải có thời gian để làm thủ tục hải quan, vận chuyển, phân phối... hàng hóa nhập khẩu mới về đến Việt Nam nên việc giảm giá sẽ phải có độ trễ chứ không thể giảm ngay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Thương mại Vân Hồ - lại cho biết: "Do số lượng hàng tồn còn nhiều nên siêu thị chưa nhập hàng mới do đó giá các mặt hàng chưa giảm. Dự kiến, phải hơn 2 tuần nữa thị trường mới có chuyển biến tích cực".
Nhiều nhà sản xuất và phân phối còn lên tiếng "không phải cứ thuế giảm bao nhiêu thì giá sẽ giảm tương ứng vì giá thành sản phẩm không chỉ căn cứ trên mức tính thuế...".
Doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam Vinamilk khẳng định giá sữa khó lòng giảm được vì giá nguyên liệu sữa đã tăng gấp đôi so với đầu năm trong khi đó mức thuế đối với mặt hàng sữa chỉ giảm được một nửa nên không thể có chuyện giảm ngay giá sữa.
Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước (VAMA) cũng cho biết: Quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô con nguyên chiếc từ 80% xuống còn 70% trong bối cảnh hiện tại rất ít tác động đến giá xe do các nhà sản xuất lẫn các nhà nhập khẩu trong nước hiện không có xe để bán.
VAMA cho biết 10 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang nợ khách hàng gần 10.000 chiếc xe. Một chuyên viên của VAMA nhận xét: "Xe người ta sản xuất ra còn chưa đáp ứng kịp người tiêu dùng thì tội gì lại phải giảm giá bán".
Hàng nghìn tỷ đồng vào túi ai?
Thực tế là các cơ quan chức năng cũng đồng tình rằng cần có độ trễ thì giá mới giảm theo thuế. Bà Đặng Thị Bình An - Tổng cục phó Tổng cục Hải quan - cho biết: Hàng hóa nhập khẩu thông quan chưa nhiều sau khi có quyết định giảm thuế do các doanh nghiệp cũng phải tính toán việc nhập khẩu rồi mới liên hệ với đối tác để đàm phán.
Nếu đạt được thỏa thuận mua bán thì để hàng về đến được Việt Nam cũng phải qua nhiều công đoạn như vận chuyển, phân phối.... rồi mới đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một thực tế là khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, ngay lập tức giá bán trong nước đã được tăng theo dù họ đã nhập khẩu nguyên liệu từ trước đó vài tháng. Trong tình huống hiện nay, thuế đã giảm nhưng giá hàng hóa vẫn bị các nhà sản xuất và bán lẻ "phanh" với đủ lý do.
Diễn biến thị trường của mặt hàng thép thời gian qua là một ví dụ. Khi giá thế giới tăng cao, ngay lập tức các doanh nghiệp trong ngành thép tăng giá. Tuy nhiên, đợt giảm thuế nhập khẩu này cũng tác động đến ngành thép nhưng giá bán thép trên thị trường hiện vẫn chưa giảm.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nhà nước trong ngành thép hiện đã giảm giá thép 100.000 đồng/tấn nhưng giá bán trên thị trường vẫn chưa giảm do các doanh nghiệp này không quản lý được giá bán lẻ. Như vậy, hưởng lợi qua đợt giảm thuế lẫn giảm giá không phải là người tiêu dùng mà lại là các đại lý tư nhân.
Ông Phạm Tất Thắng - Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại - cho rằng: Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế nhập khẩu 18 mặt hàng sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, biện pháp giảm thuế sẽ không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng cũng như toàn bộ nền kinh tế nếu không được thực hiện đồng bộ cùng các biện pháp hợp lý để quản lý giá cả và tổ chức mạng lưới phân phối.
Theo TTXVN