1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hà Tây:

Doanh nghiệp chưa hết chuyện “một cổ hai tròng”

(Dân trí) - Không chỉ khổ về thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn gặp đủ kiểu “hành” của người dân. Trong cuộc đối thoại trực tiếp mới đây giữa UBND tỉnh Hà Tây với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh lại hứa sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu DN.

Doanh nghiệp vẫn kêu khổ

Ông Hồ Xuân Năng, Giám đốc công ty cổ phần đá cao cấp Vinaconex bức xúc: Chúng tôi có dự án xin mở rộng 4,9 ha tại Khu CN Phú Cát nhưng 7 tháng nay vẫn chưa được các cơ quan ban ngành giải quyết.

Quá mệt mỏi vì chờ đợi, đối tác nước ngoài đã chấm dứt hợp tác với công ty nên bây giờ công ty phải tự đầu tư. “Đây là dự án 100% sản phẩm xuất khẩu, nếu không có đất, không lấy được nguyên liệu, thì chúng tôi sẽ phá sản”, ông Năng than.

Tương tự, đại diện DN Hoàng Sơn (có dự án sản xuất phôi thép tại Cụm CN Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà) nêu ý kiến: Hoàng Sơn đi vào sản xuất từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất, trong khi hàng năm DN vẫn nộp thuế môn bài đầy đủ. Điều này khiến DN luôn trong cảnh “tim đập chân run” vì cơ sở pháp lý diện tích đất mà DN này sử dụng vẫn chưa được đảm bảo.

Còn ông Đoàn Quốc Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Rồng vàng Việt Nam có nhà máy sản xuất sữa đậu nành tại xã Phụng Châu, Chương Mỹ, xót xa khi nói về chức danh bất đắc dĩ mà ông được 28 DN huyện Chương Mỹ bầu: “Chủ tịch Hội các DN bị phong toả”.

Theo ông Thái, trong năm 2003 do bị người dân phong toả nên 28 DN này đã phải nhân nhượng tăng giá đền bù từ 7 triệu lên…27 triệu/sào, gấp 3 lần quyết định của UBND tỉnh. Trong khi các DN ở những nơi khác không bị phong toả thì vẫn được đền bù theo giá quy định.

Ông Thái cũng kiến nghị tỉnh Hà Tây thu hồi đất của nhiều DN bỏ trống, có biểu hiện chiếm đất đầu cơ, cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ thích hợp cho những thiệt hại của các DN do bị dân phong toả.

Ông Phạm Vũ, giám đốc công ty Đông Đô (An Khánh, Hoài Đức) chuyên xuất khẩu len lại bất bình về cách hành xử bất nhất của ngành điện: năm ngoái công ty đã bị cắt điện liên tục nhưng chi nhánh điện huyện còn thông báo. Đến năm nay DN vẫn bị liên tục cắt điện nhưng chi nhánh không hề báo trước khiến DN khốn đốn trong việc sắp xếp công việc sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu

Trước những bức xúc và các dẫn chứng cụ thể nêu ra, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây khẳng định, các vấn đề DN kiến nghị sẽ được giải quyết thấu đáo và lãnh đạo tỉnh đã giao cho các Sở, ngành liên quan giải quyết từng việc cụ thể để báo cáo UBND tỉnh.

Ông Cường cũng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN, ông vừa ký phê duyệt đề án “Một cửa liên thông” trong việc thực hiện thành lập DN tại tỉnh Hà Tây.

Theo đó, Sở KH&ĐT, Công an tỉnh và Cục thuế tỉnh cử cán bộ đến làm việc tại điểm tiếp nhận hồ sơ đặt tại Sở KH&ĐT để hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại điểm tiếp nhận hồ sơ cho cá nhân, tổ chức, DN có yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và cấp mã số thuế.

Còn ông Bùi Duy Nhâm, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh tỉnh luôn đối xử bình đẳng giữa tất cả các DN, không hề có sự phân biệt kỳ thị các DNNVV. Tỉnh luôn coi khó khăn bức xúc của các DN là khó khăn bức xúc của tỉnh. Có tổ chức, cá nhân nào nhũng nhiễu, đề nghị DN báo cáo, lãnh đạo tỉnh sẽ xử lý nghiêm nếu có chứng cứ.

Về việc nhiều DN bỏ đất trống vi phạm Luật Đất đai, ông Bùi Duy Nhâm cho biết, tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra do Sở TN-MT chủ trì để đi kiểm tra. HĐND cũng thành lập một đoàn đi giám sát. Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý thu hồi, giao cho các DN khác có nhu cầu làm trong sạch môi trường đầu tư.

Phúc Hưng