Hà Nội:

Đồ hàng mã ông Công, ông Táo: "Chỉ qua cầu thôi đã lên mấy giá!"

(Dân trí) - Cùng 1 bộ ông Công, ông Táo, ở các chợ bên Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh (Hà Nội) chỉ bán 100.000 đồng/bộ nhưng qua cầu sang nội thành thôi đã lên mấy giá, lên 160.000 đồng/bộ.

Ngày mai mới là 23 tháng Chạp Tết ông Công, ông Táo nhưng thị trường đồ lễ cúng đã nhộn nhịp cả tuần nay tại khắp các ngõ chợ. Từ những khu chợ lớn đông đúc tới các chợ cóc, các tiểu thương đều tranh thủ những ngày này bán đồ lễ kiếm thêm thu nhập.

Chị Trần Thị Thoa, chủ cơ sở làm đồ hàng mã ở chân cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) cho biết, thời điểm sôi động nhất của thị trường hàng mã là khoảng từ trước rằm tháng Chạp cho đến hết 23 âm. Các cơ sở phải đẩy mạnh sản xuất mới có hàng phục vụ thị trường.

Đa dạng các mặt hàng cho Tết ông Công, ông Táo
Đa dạng các mặt hàng cho Tết ông Công, ông Táo
Các cây lộc vàng bán khá tốt, không kém gì bộ mũ truyền thống
Các cây lộc vàng bán khá tốt, không kém gì bộ mũ truyền thống

Theo chị Thoa, mỗi nhà chỉ có 1 bếp nên chỉ mua 1 bộ thôi, nhưng nhà nào cũng phải mua nên hàng bán rất tốt, ra đến đâu là có xe đến lấy hết đến đấy. Ngoài ra, dịp cuối năm nhiều “điện” đặt hàng nên cũng làm không xuể.

Mặt hàng chủ lực trong dịp Tết ông Công, ông Táo này phải sản xuất thêm chắc chắn là bộ mũ ông Công, ông Táo, nhưng “ông ngựa” mới là hàng thị trường cần nhiều. Mỗi năm mẫu mã cũng một khác, nhưng cơ bản thì vẫn giữ hình dáng cũ. Cơ sở nhỏ, thiếu mặt bằng nên năm nay chỉ làm hơn 200 bộ mũ áo, gần 500 ông ngựa và làm thêm cây lộc do nhu cầu thị trường đang ưa chuộng loại này, chị Thoa cho biết.

Đồ hàng mã ông Công, ông Táo: "Chỉ qua cầu thôi đã lên mấy giá!" - 3

Giá nhập của mặt hàng này những ngày giáp Tết cũng biến động nhiều. Một tiểu thương ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho hay, “Chị nhập hơn tháng nay rồi, giá 15.000 – 16.000 đồng/bộ, bán ra là 25.000 đồng/bộ. Cây lộc, cây vàng hoa nhập vào khoảng 30.000 – 35.000 đồng, bán ra khoảng 50.000 – 60.000 đồng. Các nhà làm kinh doanh rất thích mua các cây vàng hoa về trưng bày bàn thờ cho nhiều lộc nên bán khá tốt. Năm ngoái, chất đầy 1 nhà 16m2 đồ vàng mã ông Công, ông Táo mà vẫn bán hết veo”.

Đồ hàng mã ông Công, ông Táo: "Chỉ qua cầu thôi đã lên mấy giá!" - 4

Một số người khác ở chợ nhập sát ngày để bán và qua nhiều mối thì giá đã lên 20.000 đồng/bộ mà vẫn chỉ bán được với giá 25.000 đồng/bộ mà không thể phá giá. Tuy nhiên, theo anh Ngô Hoàng Huy, một người chuyên đi giao buôn các mặt hàng này thì nếu vào tận các cơ sở sản xuất trong các làng ở huyện Gia Lâm thì giá chỉ từ 8.000 – 9.000 đồng/bộ mũ giày cúng ông Công, ông Táo.

Anh Huy còn cho biết, giá ở bên nội thành lại khác so với bên Gia Lâm, cùng 1 bộ ông Công, ông Táo, ở Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh chỉ bán 100.000 đồng/bộ nhưng qua cầu sang nội thành thôi đã lên mấy giá, lên 160.000 đồng/bộ.

Việc đốt vàng mã trong những dịp cúng giỗ hay lễ Tết là truyền thống lâu đời của người Việt ta. Tuy nhiên, cần đảm bảo an toàn, tránh gây hỏa hoạn và chỉ nên mua, đốt ở mức vừa phải như một nét đẹp trong văn hóa tâm linh chứ không nên lãng phí.

Thế Hưng