Đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc: Tịch thu không xuể vì quá lãi!
(Dân trí) - Theo khảo sát của PV ở một vài thành phố gần Hà Nội, đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan. Theo một số người bán, đồ chơi Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với đồ chơi Việt Nam và nhiều nước khác, nếu bán lẻ thì lợi nhuận cực cao, 1 ăn 1 là chuyện bình thường.
Đồ chơi Trung Quốc bán tràn lan
Dạo một vòng quanh các cửa hàng đồ chơi trẻ em trên tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Tô Hiệu (Nghĩa Tân)... không khí khá nhộn nhịp những ngày cuối tuần, đặc biệt là gần dịp trung thu. Thế nhưng, đa phần đồ chơi bắt mắt và tiêu thụ tốt đều là đồ chơi Trung Quốc.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa ở Kim Mã (Hà Nội) cho biết: “Trung thu đang đến khá gần, nên cuối tuần mình tranh thủ dẫn cháu đi mua đồ chơi. Nhưng thực sự cũng chẳng hỏi xuất xứ của đồ chơi, vì mình thừa biết đó là hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, nó rẻ, bắt mắt hơn, lại tinh xảo, giống thật và cập nhật xu hướng cực nhanh”.
“Ngoài yếu tố ấy ra, trẻ con thời nay mắt thẩm mỹ rất tốt. Bọn trẻ thường chọn những món đồ chơi giống trên phim hoạt hình, vì thế có bắt chúng chơi đồ chơi Việt Nam mà chúng không thích cũng rất khó”, anh Nghĩa cho biết thêm.
Tại các cửa hàng, búp bê và bộ đồ nấu ăn làm bằng nhựa có rất nhiều giá, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng cũng có. Các đồ chơi bán chạy nhất là xe ô tô, súng, máy bay, búp bê, cánh tiên, hay mặt nạ… bằng nhựa không rõ nguồn gốc.
Đã từng có tai nạn đáng tiếc
Năm 2015, cháu Yến N. được người nhà mua tặng bộ đồ chơi nấu ăn. Cháu bé rất thích và miệt mài chơi nhưng đến gần tối, người thân hoảng hốt khi phát hiện đôi môi của cháu N bỗng dưng sưng vù bất thường.
Khi hỏi, cháu cho biết không làm gì khác ngoài chơi và ngậm bộ đồ chơi nấu ăn mới. Hôm đó, cháu được đưa đi khám. Bác sĩ nhận định, cháu bị dị ứng chất lạ trong bộ đồ chơi.
Anh Nguyễn Tuấn ở Biên Hòa (Đồng Nai) là chú của cháu N. khá lo lắng về tình trạng sức khỏe của cháu gái. Anh chia sẻ với báo chí rằng, bộ đồ chơi gia đình mua tặng cháu N có tên Kitchen với nhiều màu sắc sặc sỡ. Chúng được mua tại một cửa hàng ven đường với giá chưa đến 100 nghìn đồng.
Ngoài cháu N, bé Thủy cũng là 1 nạn nhân của đồ chơi không rõ nguồn gốc. Bé Thủy đeo chiếc nhẫn đồ chơi khoảng 3 tháng thì phần sơn bên ngoài của chiếc nhẫn bạc dần, bong tróc. Sau đó, càng ngày tay bé càng bị sưng lớn.
“Cháu đã bị xước da ngay vùng cháu đeo nhẫn. Từ chỗ xước da đó đã bị ăn lan sang gần hết ngón tay giữa của cháu. Sau đó, tiếp tục bị lan sang ngón bên cạnh và sưng phồng lên. Sau khi đi khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm nhiễm trùng nặng, cần phải uống thuốc và theo dõi”, chị Phương – mẹ bé Thủy nói.
Bộ đồ chơi gồm nhẫn, vòng của bé Thủy đã đeo không hề có tem nhãn tiếng Việt, cũng như không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc sản phẩm và tem chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật. Chị Phương thừa nhận khi con sử dụng sản phẩm đã không chú ý đến các thông tin này.
Theo khảo sát của PV ở một vài thành phố gần Hà Nội, đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan. Không chỉ được bày bán trong siêu thị, nhà sách, cửa hàng mà còn bày bán trên cả vỉa hè với giá vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng. Theo một số người bán, đồ chơi Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với đồ chơi Việt Nam và nhiều nước khác, nếu bán lẻ thì lợi nhuận cực cao, 1 ăn 1 là chuyện bình thường.
Theo báo cáo nhanh, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 1.855 vụ, phát hiện, xử lý 1.385 vụ vi phạm, với tổng số thu 8,1 tỷ đồng; trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 6,9 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 1,2 tỷ đồng.
Ngày 12/9/2017, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra một số cửa hàng bán đồ chơi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phát hiện hơn 600 sản phẩm đồ chơi không có tem hợp quy, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế Hưng