DNNN thiếu thông tin minh bạch

(Dân trí) - “Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (DNNN) không có quy định rõ ràng và bắt buộc về công bố thông tin. Đa số DNNN công bố thông tin chủ yếu thông qua cách thức thông tin nội bộ…” là kết quả điều tra về các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin
 
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa hoàn thành dự thảo báo cáo điều tra quản trị doanh nghiệp (QTDN) nhà nước, giám sát tập đoàn kinh tế dựa trên kết quả điều tra của hơn 400 doanh nghiệp.
 
DNNN thiếu thông tin minh bạch - 1
Không có quy định rõ ràng và bắt buộc về công bố thông tin trong DNNN
 
Theo đó, DN 100% vốn nhà nước không có quy định rõ ràng và bắt buộc về công bố thông tin như công ty niêm yết hoặc công ty đại chúng. Đa số DNNN công bố thông tin chủ yếu thông qua cách thức thông tin nội bộ và hoặc chế độ báo cáo với chủ sở hữu/đại hội cổ đông/hội đồng thành viên.
 
Số DNNN công bố và công khai những thông tin cần thiết cho cải thiện QTDN như chính sách quản lý rủi ro, các giao dịch với người có liên quan, lương thưởng của các cán bộ quản lý cao cấp, giao dịch nội bộ… chiếm tỷ lệ không cao. Các bên liên quan và cơ quan quản lý không dễ tiếp cận được với các thông tin.
 
Các DN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ và theo yêu cầu. Mối quan hệ thông tin giữa DNNN với chủ sở hữu nhà nước cũng không diễn ra thường xuyên và dường như chỉ tập trung vào báo cáo hàng năm của DN gửi lên, nên chủ sở hữu nhà nước không có đủ thông tin để thực thi trách nhiệm và có hiệu quả như các nhà đầu tư trong kinh tế thị trường.
 
Số liệu điều tra cũng phản ánh tương đối đúng với thực trạng pháp luật và thực tiễn khi kiểm toán nhà nước chủ yếu diễn ra đối với các DN 100% sở hữu nhà nước, trong khi kiểm toán nội bộ chưa trở thành công cụ hữu hiệu trong QTDN.
 
Kết quả điều tra còn phản ánh đúng thực tế là các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay vẫn đang kiêm nhiệm chức năng quản lý nhà nước. Trong khi đó, năng lực thực hiện quyền sở hữu của nhà nước bị hạn chế, dẫn tới buông lỏng quản lý, không thể hiện hết các quyền của mình một cách có trách nhiệm.
 
Nhà nước đầu tư vào các DN không phải với mục đích thuần túy kinh tế mà với các mục tiêu kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau, dẫn tới khó định lượng về mục tiêu và khó đánh giá, giám sát hoạt động của DN cũng như hoạt động đầu tư của Nhà nước.
 
Không có chứng cứ để đánh giá năng lực lãnh đạo
 
Theo dự thảo báo cáo Hội đồng quản trị DNNN chưa giám sát có hiệu quả đối với các xung đột lợi ích nội bộ và giám sát các giao dịch kinh doanh với các bên có lợi ích liên quan. Hội đồng quản trị chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, tích cực, năng động của mình trong DNNN.
 
Hiện tại các DNNN, nhất là DN 100% vốn nhà nước không có cơ sở rõ ràng để đánh giá hoạt động của các thành viên Hội đồng quản trị hay chủ tịch công ty…, từ đó không có chứng cứ xác thực để đánh giá việc hoàn thành hay không nhiệm vụ của các thành viên trong Hội đồng quản trị hay chủ tịch công ty.
 
Giám sát và đánh giá là quyền quan trọng trong tổng thể các quyền của chủ sở hữu nhà nước. Tuy nhiên hiện nay có tình trạng nhà nước giao cho DNNN nhiều mục tiêu khác nhau (kinh tế, xã hội, chính trị), đó là nhân tố gây khó khăn cho hoạt động giám sát, đánh giá.
 
Trên thực tế, vẫn có nhiều tổ chức cá nhân thực hiện giám sát DN không theo quy định pháp luật. Nhiều nội dung quan trọng nhà nước có thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng không phải ở tất cả các DNNN, trong đó phải kể đến như: việc bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư ngoài nhà nước tại DN (73,4%); năng lực DN kinh doanh ngoài ngành nghề chính và giám sát các rủi ro; các giao dịch kinh doanh (hợp đồng, dự án, mua bán…) chưa có giám sát…
 
Các DN được điều tra cho rằng việc giám sát đầu tư và các công ty con, giám sát hoạt động độc quyền, thống lĩnh thị trường và giám sát việc bảo vệ các cổ đông nhỏ là chưa có hiệu lực và hiệu quả. Đây là nguyên nhân của tình trạng đầu tư dàn trải trong các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua.
 
Lan Hương