Định giá của The CrownX không dừng lại ở 8,2 tỷ USD

Trường Thịnh

(Dân trí) - Với sự đồng hành của những "gã khổng lồ" đến từ thị trường tài chính quốc tế, The CrownX chính thức chuyển sang giai đoạn tăng tốc khi những mảnh ghép của nền tảng tiêu dùng - bán lẻ - công nghệ đã dần hoàn thiện.

Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa khép lại vòng huy động vốn cuối cùng trong năm nay cho The CrownX (TCX) - nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hợp nhất WinCommerce và Masan Consumer Holdings. Trong vòng gọi vốn này, nhóm các nhà đầu tư bao gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings đầu tư 350 triệu USD vào The CrownX.

Định giá của The CrownX không dừng lại ở 8,2 tỷ USD - 1

ADIA đang quản lý danh mục đầu tư khoảng 649 tỷ USD trên toàn cầu.

Trước đó, vào tháng 4 năm nay, SK mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Tháng 6 năm nay nhóm các nhà đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia hoàn tất mua 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX với giá 400 triệu USD. Đến cuối tháng 6 năm nay, Masan và The CrownX đã chi gần 400 triệu USD để mua cổ phần của TCX từ các cổ đông thiểu số. Đến tháng 11, Tập đoàn SK Group tiếp tục đầu tư 340 triệu USD vào Masan để sở hữu 4,9% cổ phần The Crown X. Như vậy, tổng cộng 1,5 tỷ USD đã được rót vào The CrownX trong năm nay, bất chấp giai đoạn nền kinh tế trải qua nhiều biến động vì dịch bệnh.

Niềm tin từ những "gã khổng lồ"

Đặc biệt, vòng gọi vốn mới nhất của The CrownX ngoài việc thu hút thêm những nhà đầu tư chiến lược mới còn mang lại giá trị gia tăng cho các cổ đông hiện hữu. Với việc TPG, ADIA và SeaTown chấp nhận đầu tư vào The CrownX với mức giá 105 USD/cổ phần (tương đương 2,4 triệu đồng/cổ phần), định giá của công ty này hiện tại lên tới 8,2 tỷ USD, tăng 12% so với thời điểm nhóm nhà đầu tư Alibaba, Barings và SK đầu tư rót vốn.

Định giá của The CrownX không dừng lại ở 8,2 tỷ USD - 2
Masan có kế hoạch phát triển hệ sinh thái Consumer - Tech dựa trên nền tảng viễn thông từ Reddi.

Trong đợt huy động vốn lần này, The CrownX chào đón các nhà đầu tư mới gồm SeaTown Holdings và ADIA. Trong đó, SeaTown thuộc sở hữu trực tiếp của Temasek Holdings. Temasek là một trong hai quỹ đầu tư lớn của chính phủ Singapore cùng với GIC. Hiện Temasek đang quản lý danh mục đầu tư xấp xỉ 400 tỷ USD, tập trung vào khu vực châu Á. Với khẩu vị thận trọng, đặt an toàn lên hàng đầu khi quyết định rót vốn, có thể thấy Temasek có niềm tin vững chắc vào tương lai của The CrownX trong tương lai, đặc biệt là triển vọng IPO trên sàn chứng khoán quốc tế.

Sau khi kết thúc vòng gọi vốn trong năm nay, CEO Masan Danny Le cho biết tập đoàn đặt mục tiêu IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024. Với mỗi chu kỳ đầu tư, các quỹ thường đặt kỳ vọng khoản đầu tư sẽ tăng giá ít nhất 2-3 lần. Như vậy, nhiều khả năng những "cá mập" như Temasek đang đặt niềm tin định giá của The CrownX sẽ lên tới 20 tỷ USD trong 2-3 năm tới khi IPO.

Trong khi đó, ADIA lại là cái tên còn khá xa lạ với thị trường M&A tại Việt Nam. The CrownX chính là doanh nghiệp Việt đầu tiên lọt vào mắt xanh của quỹ đầu tư đến từ khu vực Trung Đông này. Hiện, ADIA đang quản lý danh mục đầu tư khoảng 649 tỷ USD, có quy mô lớn thứ hai trong số các quỹ đầu tư quốc gia tại khu vực Trung Đông.

Với quy mô tăng nhanh theo thời gian, các quỹ đầu tư quốc gia trong khu vực Trung Đông ngày càng có vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Các quốc gia Trung Đông cũng sử dụng các quỹ đầu tư này để đa dạng hóa nguồn thu thông qua việc đầu tư vào các tài sản trên toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trong khi đó, TPG lại là "người quen" khi đã từng đồng hành cùng Masan từ cách đây hơn một thập kỷ. Năm 2009, TPG đã rót vốn vào Masan khi tập đoàn hàng tiêu dùng Việt mới đang chuẩn bị niêm yết trên sàn HoSE. Thời điểm đó, vốn hóa của Masan là 900 triệu USD. Ngày nay, giá trị của Tập đoàn Masan đã vượt 8 tỷ USD và đang tiếp tục tăng trưởng. Trước đó, "gã khổng lồ" SK đến từ Hàn Quốc cũng đã nhiều lần đầu tư vào Masan lẫn các công ty con của tập đoàn.

Như vậy, rõ ràng có cơ sở cho thấy đợt gọi vốn 350 triệu USD vừa qua chỉ mới là lần "dạm ngõ" đầu tiên của ADIA và Temasek, nhất là trong bối cảnh định giá của The CrownX có thể sẽ còn gia tăng từ thời điểm hiện tại đến cột mốc IPO trong 2-3 năm tới.

Định giá của The CrownX không dừng lại ở 8,2 tỷ USD - 3
WinCommerce là chuỗi bán lẻ hiện đại đứng đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam.

Những mảnh ghép dần hoàn thiện

Với sự đồng hành của các "gã khổng lồ", Masan không chỉ được hỗ trợ về nguồn lực tài chính mà còn hưởng lợi từ kinh nghiệm của đối tác chiến lược. Đây là tiền đề để Masan đưa The CrownX tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số, trở thành nền tảng bán lẻ - tiêu dùng - công nghệ tích hợp từ offline đến online.

Trước The CrownX, TPG, ADIA lần lượt đầu tư 600 triệu USD và 750 triệu USD vào công ty viễn thông Jio Platforms. Đây là nhà mạng lớn nhất Ấn Độ, thuộc sở hữu của Reliance Retail, hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất tại quốc gia Nam Á tỷ dân này.

Điểm thú vị là câu chuyện của The CrownX có nhiều điểm tương đồng với Reliance Retail - Jio Platforms. Rõ ràng TPG và cả ADIA đã nhìn thấy tiềm năng của mô hình công ty tiêu dùng - công nghệ - viễn thông. Và tại Việt Nam, The CrownX đang là người tiên phong trên đường đua này, hội tụ nhiều yếu tố để tăng trưởng nhanh chóng, mang lại giá trị đột phá cho nhà đầu tư.

The CrownX đã có những mảnh ghép cốt lõi để chinh phục mục tiêu của mình. WinCommerce đang là hệ thống bán lẻ nhu yếu phẩm lớn nhất Việt Nam về quy mô điểm bán. Song song đó, các nền tảng như Phúc Long, ngân hàng Techcombank, mạng di động Reddi có thể phục vụ gần như mọi nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng.

Bằng cách phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ đa dạng theo mô hình tích hợp vào cửa hàng WinMart+, The CrownX sở hữu nền tảng duy nhất tích hợp offline-to-offline với chi phí đầu tư tối ưu nhất, đồng thời tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Trong thời gian tới, Masan có thể sẽ tận dụng nền tảng khách hàng thân thiết của Reddi để chuyển đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt, phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm "mua trước, trả sau", cung cấp các giải pháp quản lý và đầu tư tài sản.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Masan có thể hợp tác với một đối tác fintech, nghiên cứu dữ liệu để hoàn thiện hệ sinh thái số. M&A là phương pháp thường được Masan sử dụng để thực hiện chiến lược phát triển của mình. Masan tin rằng trong thời gian tới, các giải pháp fintech vốn chưa được phục vụ đúng mức cho đông đảo người tiêu dùng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi.