1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Điện thoại cao cấp: Cung không đủ cầu

Một nhóm vài người đàn ông trung niên đang ngồi nhâm nhi cà phê và trò chuyện rôm rả ở một quán cà-phê sang trọng. Thoạt nhìn, họ cũng giống như những khách hàng khác trong quán, song có một điểm khác biệt ở họ là tất cả đều đặt điện thoại di động lên bàn…

Tùng, nhân viên phục vụ quán, cho biết thường những khách hàng uống cà phê có điện thoại di động đắt tiền hay bày trên bàn. “Đó là một cách người dùng điện thoại đắt tiền thể hiện mình,” Tùng nói.

Cung không đủ cầu

Ít ai biết rằng trong bốn chiếc điện thoại đang được “khoe” trên mặt bàn đó có tới ba chiếc Mobiado và không có chiếc nào giá dưới 1.500 USD. Anh Dũng, nhân viên của một công ty chứng khoán và cũng là một người buôn cổ phiếu, khoe với nhóm bạn ngồi cùng: “Vừa trúng vụ cổ phiếu nên chuyển chiếc Mobiado đang dùng cho vợ để sắm Vertu Ascent Ti, giá 7.000 USD mới có trên thị trường.”

Nam, giám đốc một công ty quảng cáo, đáp: “Anh giỏi thì "tiếp cận" Vertu, còn bọn em "doanh nghiệp trẻ" chỉ dám sử dụng Mobiado ở mức 2.000 USD thôi. Mà thật ra, người Việt có mấy ai dám dùng Vertu đâu.”

Theo đánh giá của các công ty phân phối điện thoại di động, người dùng điện thoại cao cấp tại Việt Nam chủ yếu chuộng hai nhãn hiệu Vertu (Anh) và Mobiado (Canada) ; song, Mobiado tiêu thụ mạnh hơn vì có mức giá “hợp lý”.

Mobiado có nhiều mẫu điện thoại khác nhau, giá cả xê dịch trong khoảng 1.600-2.400 USD. Bởi vậy, hiện chỉ có khoảng 1.000 máy Vertu đang lưu hành tại Việt Nam, còn Mobiado thì gấp vài lần. Ngoài ra, hiện có một, hai “đại gia” dùng điện thoại nhãn hiệu Goldvish (Nga) với giá 1,5 triệu USD.

Nguyễn Hoài Anh, phụ trách bán hàng điện thoại Vertu, cho biết tại Việt Nam chiếc điện thoại Vertu có giá rẻ nhất là 5.000 USD và đắt nhất lên đến 68.000 đôla. Bản thân Hoài Anh được phép dùng một chiếc Vertu chạy thử nhưng cô cũng không dám nhận. “Vì lỡ bị mất hoặc hư hỏng thì không có tiền đền”.

Không tiết lộ lượng điện thoại tiêu thụ, nhưng ông Vũ Trường Giang, phụ trách vùng Đông Dương và Thái Lan của hãng Mobiado, cho biết: “Tại Việt Nam, Mobiado luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu. Thậm chí không còn hàng mẫu để giới thiệu tại phòng trưng bày”.

Không nằm trong tình trạng “cháy” hàng như Mobiado, Vertu chỉ khan hàng ở tầm giá thấp. Một ngày sau khi giới thiệu chiếc điện thoại Vertu Ascent Ti mới vào thị trường Việt Nam, phòng trưng bày sản phẩm của hãng này đã không còn hàng để bán. Sức tiêu thụ nằm ngoài dự đoán của nhà phân phối.

Như vậy, có thể thấy mức tiêu thụ điện thoại đắt tiền không như tưởng tượng của nhiều người, rằng “sẽ không có mấy người bỏ ra khoản tiền lớn chỉ để mua một chiếc điện thoại di động.”

Thể hiện đẳng cấp

Theo các chuyên gia am hiểu thị trường điện thoại di động, người dùng điện thoại đắt tiền chủ yếu chỉ để thể hiện đẳng cấp, sự sang trọng chứ không phải vì tính năng của nó. Đa số điện thoại đắt tiền, tính năng không có gì đặc biệt. Cả Vertu và Mobiado đều dùng lõi máy của Nokia.

Giá cao là do sản xuất đơn chiếc hoặc sản xuất khối lượng ít, không đại trà. Bên cạnh đó nó được chế tác một cách thủ công và bằng chất liệu đặc biệt. Những người làm việc trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, và doanh nhân là những đối tượng hay dùng điện thoại đắt tiền. Điện thoại di động bình thường luôn giảm giá theo thời gian. Còn điện thoại đắt tiền luôn tăng giá, do giá kim loại dùng để chế tác thường tăng.

Một chuyên gia cho biết: “Đa số các dòng điện thoại Vertu thậm chí còn không có tích hợp chức năng camera, ngoại trừ Vertu Ascent Ti. Vật liệu sản xuất điện thoại Vertu thường là vật liệu quý hiếm (phím bấm và vỏ có thể bằng vàng). Vertu Ascent Ti được làm bằng titanium, là kim loại không bị bào mòn và có khả năng chịu được nhiệt độ cao. Chất liệu sử dụng để chế tạo nên khung của điện thoại này cũng là chất thường được sử dụng để chế tạo động cơ xe hơi thể thao.

Không được chế tác từ vật liệu quý hiếm như Vertu, điện thoại Mobiado dùng vật liệu tốt và bền. Vỏ máy Mobiado có thể được làm bằng gỗ quý Cocobolo, Ebony và Rosewood Honduras (những loại gỗ thuộc loại đắt nhất thế giới), hay hợp kim chế tạo thân máy bay, phím bấm hoặc mặt kính bằng đá sapphire chống trầy xước. Phím bấm và thấu kính camera được các nghệ nhân đồng hồ Thụy Sĩ chế tác và mài thủ công hết 50 giờ cho một phím bấm.

Ông Giang cho biết: “Do giá đắt nên người dùng điện thoại sang trọng không hay đổi máy thường xuyên như với các loại điện thoại di động thông thường. Tuy nhiên, thị trường điện thoại di động đắt tiền của Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng khá.”

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn