1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Điểm lại vụ lùm xùm cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam

Ninh An

(Dân trí) - Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vướng mắc từ năm 2018 do những sai phạm về quản lý, sử dụng đất, định giá thương hiệu.

Ngày 30/3, Cục Thuế TP Hà Nội có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam). Ông Thắng cũng là đại diện theo pháp luật của đơn vị này.

Ông Nguyễn Danh Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế. Trước đó, ngày 21/11/2023, Cục Thuế TP Hà Nội đã có Quyết định số 81970 về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông này còn là người đại diện pháp luật của một số đơn vị khác như chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải thủy 1 Cảng Hòa Bình, chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Lạc Hồng tại Huế, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Hoàng Anh HB, Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Hội.

Hãng phim truyện Việt Nam đặt tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Tháng 6/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty TNHH MTV Phim truyện Việt Nam.

Điểm lại vụ lùm xùm cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam - 1

Hiện trạng xuống cấp trầm trọng của Hãng phim truyện Việt Nam (Ảnh: Toàn Vũ).

Đến tháng 3/2014, Bộ ký Quyết định về việc cổ phần hóa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam. Đến cuối năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển doanh nghiệp thành Công ty cổ phần.

Năm 2016, Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) là đơn vị duy nhất đăng ký mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược. Công ty này thanh toán hơn 33 tỷ đồng để mua 65% vốn điều lệ của Hãng phim truyện Việt Nam. Sang năm 2017, hãng phim chính thức bước vào quá trình cổ phần hóa.

Tuy nhiên vài tháng sau, các nghệ sĩ lên tiếng về việc cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết, chậm lương, không có định hướng làm phim.

Ông Nguyễn Danh Thắng là người đại diện của cổ đông chiến lược tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất, xác định thương hiệu của hãng phim.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược rút vốn trước thời hạn.

Chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên từ đó đến nay, phía nhà đầu tư chiến lược chưa đưa ra tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hóa và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước.

Đơn vị này cũng không đầu tư cơ sở hạ tầng, trụ sở của hãng phim rơi vào tình trạng đổ nát, hoang tàn. Tháng 3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành tìm giải pháp, xây dựng phương án xử lý.

Trước đó, năm 2017, quá trình cổ phần hóa tại Vivaso cũng nhận được nhiều đơn tố cáo về việc thiếu khách quan, minh bạch; làm thất thoát tài sản Nhà nước giá trị lớn (việc xác định giá trị đất đai, diện tích, lợi thế địa tô, việc định giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa…), có dấu hiệu móc ngoặc tham nhũng.