Dịch chuyển FDI đăng ký mới

Dấu hiệu sụt giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kể cả đăng ký mới và giải ngân, ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, các con số chưa đủ để trả lời câu hỏi về tác động của sự sụt giảm này tới nền kinh tế.

Dịch chuyển FDI đăng ký mới - 1
Nếu tính cả vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động, tổng vớn FDI đăng ký trong 6 tháng đạt trên 5,6 tỷ USD.
 
Đăng ký mới giảm dần đều...

 

Từ đầu năm đến nay, Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) chưa có thêm dự án FDI mới nào. Khả năng có thể xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhiệt điện liên doanh giữa Công ty TNHH Khang Thông và Công ty STFE, Thai Oil (Thái Lan) có thể chưa thực hiện được trong quý tới như dự tính, khi dự án này vẫn chưa hoàn tất thủ tục bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành điện.

 

Có thể coi là sáng sủa hơn, nhưng sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Công ty TNHH một thành viên Enfinity Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 266 triệu USD để sản xuất điện vào hồi tháng 3/2011, Ninh Thuận vẫn chưa có thêm một dự án FDI nào.

 

Ông Trương Xuân Vỹ, Giám đốc Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận cho biết, mặc dù một số biên bản ghi nhớ vừa được ký giữa UBDN tỉnh và một số nhà đầu tư nước ngoài, mà mới đây nhất là ủng hộ việc Công ty Asia New Genration (Hongkong) và Công ty TNHH Phát triển Du lịch Minh Thành triển khai thực hiện Dự án tổng hợp gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, đường đua thể thức F1…, tổng vốn dự án khoảng 500 - 800 triệu USD tại khu vực Vịnh Vĩnh Hy - Núi Chúa, song khả năng có thêm dự án FDI đăng ký mới trong quý tới gần như chưa thể xác định.

 

Nhìn vào bảng tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng các địa phương mới thu hút được dưới 3 dự án đầu tư nước ngoài hiện chiếm già nửa trong tổng số 41 địa phương có tiếp nhận dự án FDI. Phần lớn số dự án đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm nay thuộc về TP.HCM (124 dự án), Hà Nội (108 dự án).

 

Tính chung, với khoảng 837 triệu USD đăng ký mới trong tháng 6/2011, tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong 6 tháng mới đạt gần 4,4 tỷ USD, bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả số vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động, vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đạt trên 5,6 tỷ USD, gần bằng 56,7% so với cùng kỳ năm 2010.

 

… và những dấu hỏi

 

Lần đầu tiên trong 6 tháng, tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước cũng có suy giảm sau nhiều tháng giữ được mức trung bình 1 tỷ USD/tháng.

 

Trao đổi với PV về tình hình này, đại diện nhiều sở kế hoạch và đầu tư cho rằng, lý do chính là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là những bất ổn kinh tế vĩ mô khiến các kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không đạt được như dự kiến.

 

Ngay cả những doanh nghiệp lớn như Công ty AES, chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện Mông Dương cũng không dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn để phục vụ dự án có vốn đăng ký 2,1 tỷ USD này, khi ông Prabaljit Sarkar, Trưởng Ban phát triển Dự án của AES cho rằng, lãi suất cho vay tăng cao và thay đổi liên tục đang làm khó cho các doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, thực tế mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan ngại, đó chính là tình hình thiếu điện cho sản xuất kéo dài trong năm 2010.

 

Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi đầu tháng 6/2011, các chuyên gia cũng thẳng thắn rằng, sự sụt giảm FDI cam kết không thể chỉ giải thích bằng yếu tố từ nền kinh tế toàn cầu, vì FDI vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang tăng lên, mà chính là do các yếu tố trong nước như bất ổn kinh tế vĩ mô, thiếu điện, khan hiếm lao động có tay nghề.

 

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sự sụt giảm của FDI cần phải được phân tích cẩn trọng trên cơ sở về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực.

 

“Nếu như dòng vốn FDI vào bất động sản, vào các dự án sử dụng nhiều năng lượng, dự án công nghệ thấp giảm thì đó lại là dấu hiệu tốt. Sự chậm lại của dòng vốn FDI để tái cơ cấu chất lượng của dòng vốn sẽ mở đầu cho giai đoạn thu hút FDI theo định hướng mới của Việt Nam”, ông Cung bình luận.

 

Nhìn vào cơ cấu ngành nghề thu hút FDI 6 tháng đầu năm, công nghiệp chế tạo vẫn duy trì vị trí số 1 với trên 58% tổng nguồn vốn, tiếp sau là xây dựng và dịch vụ ăn uống, lưu trú. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản lùi xuống vị trí thứ 5. Đáng tiếc là, con số về công nghiệp chế tạo vẫn chưa được bóc tách để có được bức tranh về chất lượng và trình độ công nghệ của các dự án công nghiệp chế tạo.

 

Theo Bảo Duy

Báo Đầu tư