Đi uống cà phê bức xúc vì mất xe SH: Góc nhìn của chủ quán, khách hàng

Phương Liên

(Dân trí) - Khách đi uống cà phê và báo mất xe SH nhưng quản lý của quán lại không nhận trách nhiệm và cho rằng quán chỉ bán cà phê thôi chứ không trông xe. Những người kinh doanh cà phê nêu góc nhìn.

Mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện một khách đi uống cà phê cùng bạn bè tại quán ở Long Biên (Hà Nội) và bị mất xe máy. Kiểm tra camera an ninh, chị này phát hiện có 2 người lạ mặt phá khóa cổ để dắt xe đi. Sau đó, người nhận là quản lý quán cho biết không có trách nhiệm với việc xe của khách bị mất và đăng ký kinh doanh của quán không có mục trông giữ xe. Sau thông tin này, quán nhận hàng loạt đánh giá 1 sao trên Google, còn trang mạng xã hội thì không truy cập được.  

Trong cộng đồng kinh doanh cà phê cũng rầm rộ bàn luận. Nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện liên quan tới việc khi tới quán uống cà phê thì khách phải tự bảo quản xe hay mặc định giao phó cho quán và quán cần bảo quản tài sản của khách. 

Chia sẻ với Dân trí, anh Linh, quản lý một cửa hàng cà phê lớn trên phố Bà Triệu (Hà Nội), cho rằng: "Làm nghề dịch vụ sẽ đòi hỏi rất nhiều yêu cầu, khi khách hàng đã bỏ tiền ra uống cà phê tại quán thì cũng phải được phục vụ dịch vụ đầy đủ, trong đó có bao gồm cả chi phí trông giữ xe. Còn quá trình trông giữ xe như thế nào thì cũng tùy quán sẽ trông xe ngay tại quán hay khách hàng sẽ gửi xe ở bãi".

Đi uống cà phê bức xúc vì mất xe SH: Góc nhìn của chủ quán, khách hàng - 1

Quán cà phê trong câu chuyện đang gây xôn xao (Ảnh: MXH).

Về những chi phí phát sinh khi quán phải thuê người trông giữ xe, chủ hàng cà phê này cho biết điều đó phụ thuộc vào quy mô của quán. "Nếu quán nhỏ và lượng khách không đông thì có thể phân công cho các bạn nhân viên phụ trách trông xe luôn. Tuy nhiên, nếu quán nằm ở các vị trí đông đúc thì phải thuê bảo vệ trông giữ", anh Linh bày tỏ.

Còn anh Duy, chủ một quán cà phê nhỏ tại phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) thì bày tỏ, quán cà phê thì đương nhiên phải có người trông xe. "Dù là quán cà phê hay bất kỳ loại hình kinh doanh dịch vụ nào cũng phải có người trông giữ xe", anh nói. Và khi xảy ra tình trạng khách bị mất tài sản, quán sẽ chịu một phần trách nhiệm, kết hợp với công an khu vực để hỗ trợ khách một phần chi phí. 

Theo chủ quán cà phê này, việc trông xe là trách nhiệm của quán đối với khách hàng. Do quy mô quán nhỏ, anh cùng nhân viên sẽ trực tiếp trông xe cho khách. Do đó, mỗi tháng, chi phí phát sinh cũng không nhiều. "Và nếu không may khi đến quán khách hàng bị mất tài sản thì bên mình cũng sẽ tìm các phương án để giải quyết cũng như hỗ trợ", anh này chia sẻ. 

Từ phía khách hàng, Mai Anh, một bạn trẻ thường xuyên đến các quán cà phê, cho biết thích những quán có người trông giữ xe vì như vậy khách mới thoải mái nói chuyện với bạn bè vì không lo lắng về tài sản. "Với những quán không có người trông giữ mình sẽ chỉ đến để mua mang về hoặc sẽ không ngồi lại quá lâu", cô bày tỏ.

Anh Huy, làm việc trong lĩnh vực đồ họa, cũng có cùng quan điểm khi cho biết anh hay lựa chọn quán rộng, có bãi trông giữ xe hoặc nhân viên trông xe riêng vì muốn tập trung cho công việc chứ không muốn bị phân tâm vì phải quản tài sản.

Tuy nhiên, cũng có một số góc nhìn khác rằng tài sản của cá nhân thì cá nhân phải tự bảo quản, không thể đổ hết trách nhiệm lên phía quán.

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết: Về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường tài sản chỉ phát sinh trong trường hợp có hợp đồng và một số trường hợp ngoài hợp đồng (do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản… của cá nhân, tổ chức gây thiệt hại) mà pháp luật quy định cụ thể.

Trong trường hợp khách gửi xe tại quán mà bị mất trộm, cần phải xác định rõ giữa khách và chủ quán có phát sinh quan hệ giao dịch hay không, cụ thể ở đây là có xác lập "hợp đồng gửi giữ tài sản" giữa 2 bên hay không.

Tại Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

"Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công".

Về hình thức xác lập thì hiện nay có 3 hình thức xác lập hợp đồng là hợp đồng xác lập bằng lời nói, hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng xác lập bằng hành vi thực tế.

Như vậy để xem xét giữa khách và chủ quán có hình thành quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản hay không thì cần xem xét khi gửi xe thì nhân viên giữ xe có ghi số và đưa vé gửi xe cho bạn không, hay giữa bạn và nhân viên giữ xe có sự thỏa thuận với nhau về việc trông giữ xe hay không.

Điều 556 và Điều 557 BLDS 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản và nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:

"Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản

Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

Khả Vân