1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Di sản” Trịnh Xuân Thanh: Hơn 1.100 tỷ đồng nợ ngân hàng đã quá hạn!

(Dân trí) - Chỉ trong vòng nửa năm, dư nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC đã tăng gấp 4 lần so với con số cuối năm 2017, lên tới 1.151 tỷ đồng. Con số lỗ lũy kế không ngừng tăng, đến nay đã là 3.449 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng thanh toán của PVC trong 12 tháng tới.

Sau thời Trịnh Xuân Thanh, suốt 5 năm qua, PVC vẫn loay hoay với thua lỗ và chồng chất nợ nần
Sau thời Trịnh Xuân Thanh, suốt 5 năm qua, PVC vẫn loay hoay với thua lỗ và chồng chất nợ nần

Nêu ý kiến tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán PVX), kiểm toán viên nhấn mạnh rằng, đến 30/6 vừa qua, lỗ lũy kế của PVC đã lên tới 3.449 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ vay ngân hàng quá hạn đã là 1.151 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm, nợ vay ngân hàng quá hạn của PVC đã tăng tới 856 tỷ đồng, gấp 4 lần so với con số dư nợ ngày 31/12/2017.

Đơn vị kiểm toán đánh giá, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PVC trong 12 tháng tới.

Thừa nhận về thực trạng nói trên, lãnh đạo PVC cho biết, khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty này phụ thuộc vào kế hoạch tăng cường thu hồi các khoản công nợ, quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền và tiếp tục thỏa thuận các khoản vay cần thiết với ngân hàng để đảm bảo dòng tiền đáp ứng nhu cầu trả nợ đến hạn.

Dù vậy, Ban Tổng giám đốc PVC cho biết, vẫn tin tưởng rằng, với việc thực hiện các dự án, công trình lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thì PVC sẽ nhận được nguồn thu từ các dự án này để đảm bảo dòng tiền thanh toán nợ và đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh.

Ngoài ra tại báo cáo tài chính bán niên lần này, lãnh đạo PVC cũng thẳng thắn cho biết, tại ngày 30/6, tình hình công ty mẹ và một số công ty con của PVC có dấu hiệu dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Cụ thể, các công ty gồm có Công ty CP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí, Công ty CP Phát triển Đô thị Dầu khí, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình, Công ty CP Dầu khí Đông Đô, Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC-Land). Cùng với công ty mẹ, các công ty này có công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế hoặc/và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm hoặc đang bị kiện.

Số liệu từ báo cáo bán niên của PVC cũng cho thấy, tại ngày 30/6, tổng công ty này có 9.649 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó tới hơn 96% là nợ ngắn hạn. Lỗ trong kỳ gần 62 tỷ đồng, tăng lỗ thêm gần 22 tỷ đồng so với báo cáo do PVC tự lập.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVX của PVC phiên hôm nay (6/9), thị giá hiện chỉ còn 1.200 đồng mỗi cổ phiếu.

Nhìn chung sau thời Trịnh Xuân Thanh, từ năm 2013 đến nay, hoạt động của PVC chưa thể hồi phục lại. Báo lãi khiêm tốn trong 3 năm 2014, 2015, 2016 thì đến năm 2017, các thành quả đều bị xóa sạch với mức lỗ sau thuế hơn 416,3 tỷ đồng.

Phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua của tổng công ty này đã bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2018, tuy nhiên, với những khó khăn đang gặp phải và tình trạng tiếp tục thua lỗ trong nửa đầu năm thì chông gai với Ban lãnh đạo PVC thời gian trước mắt là không hề nhỏ.

Mai Chi

“Di sản” Trịnh Xuân Thanh: Hơn 1.100 tỷ đồng nợ ngân hàng đã quá hạn! - 2