Đi hội chợ, rước bực mình

Đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa quận 5 – TPHCM, hội chợ hàng tiêu dùng quận 5 có khoảng 100 gian hàng đơn điệu, tạm bợ. Một số gian hàng còn không có bảng tên, khách tham quan không biết đó là gian hàng của đơn vị nào.

Chiếm số lượng lớn tại đây là các gian hàng bán quần áo, đồ lót, giày dép, dây nịt, trang sức rẻ tiền… và các sản phẩm làm đẹp “cấp tốc” như dầu gội làm đen tóc chỉ trong vòng… 6 phút.

 

Đặc biệt, hầu hết các mặt hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc (TQ), có loại còn in toàn chữ TQ mà không có một dòng nhãn phụ tiếng Việt nào, trong khi theo quy định, hàng ngoại nhập bán tại thị trường Việt Nam phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

 

Đến hội chợ, nhiều khách hàng bức xúc cho biết hội chợ quá tệ. “Đi hết một vòng gian hàng nhưng không thấy một thương hiệu uy tín nào, chỉ bán toàn hàng xôn, hàng chợ mà giá cả lại mắc…” - chị Quản Anh Thảo, nhà ở đường Hồng Bàng, quận 5, than.

 

 Theo ghi nhận của chúng tôi, hội chợ hàng tiêu dùng quận 5 không phải là cá biệt. Tình trạng hội chợ “bán kẹo kéo”, bán hàng kém chất lượng; đơn vị tổ chức chỉ quan tâm đến lợi nhuận thông qua việc cho thuê gian hàng mà làm ngơ cho bên thuê mang hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vào bán; cơ quan chức năng cũng không ngó ngàng gì tới đã diễn ra từ nhiều năm nay.

 

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, theo số liệu của Sở Công Thương TPHCM, đã có hơn 50 hội chợ triển lãm lớn nhỏ (chưa kể một số hội chợ tổ chức “chui”, không xin phép cơ quan chức năng) diễn ra. Trong đó có không ít hội chợ mang tên rất kêu như: “Hội chợ quốc tế thương mại”, “Hội chợ thương mại mùa hè”, “Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng”, “Hội chợ triển lãm tuần lễ hàng Việt khuyến mãi”… nhưng thực chất là “sân chơi” của các thương hiệu lạ hoắc hoặc hàng không có thương hiệu mà phần lớn là hàng TQ.

 

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thường phải tính toán kỹ kế hoạch chi tiêu. Ngay cả những hội chợ nghiêm túc, được tổ chức bài bản dưới sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan chức năng còn không thu hút được khách hàng như kỳ vọng thì các hội chợ “làng nhàng” khó có đất sống.

 

Tuy nhiên, cái mất lớn hơn là lẽ ra, trong giai đoạn khó khăn chung, hàng tồn kho của các doanh nghiệp chưa được cải thiện thì hội chợ triển lãm phải là cầu nối để doanh nghiệp Việt đưa hàng ra thị trường, quảng bá hình ảnh của mình đến người tiêu dùng và khẳng định uy tín thương hiệu. Đằng này, để cho hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc “làm mưa, làm gió” tại các hội chợ là lỗi của các đơn vị tổ chức, cơ quan chức năng và cả sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt.

 

Theo Thanh Nhân

NLĐ