Đi chợ thời “thắt lưng buộc bụng”
Kinh tế ảm đạm, nhiều gia đình buộc phải tiết giảm chi tiêu. Các bà nội trợ, sinh viên, gia đình viên chức… ở Thủ đô dậy trước 5 giờ sáng tìm đến các chợ đầu mối lựa chọn thực phẩm giá bán buôn.
Nhiều tháng nay, chị Hoàng Thanh Loan (đường Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên dậy sớm để mua thực phẩm tại chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai). Chị Mai cho biết, mỗi sáng đạp xe ra chợ mua đồ ăn cho gia đình và giúp 2 nhà hàng xóm.
“Ở đây, rau, quả, thịt thà đều rẻ hơn 10-50% so với chợ lẻ, đường đi cũng gần, chưa đầy một cây số, được mua đồ tươi cho cả nhà. Tính ra, mỗi tháng tiết kiệm gần 1 triệu đồng”- chị Loan nói.
Có mặt ở các chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai), Dịch Vọng (Cầu Giấy), Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), hơn 4 giờ sáng, từng đoàn xe máy, ô tô chất đầy rau, củ quả tấp nập ra vào. Rau vào các chợ đầu mối này là từ các “vựa” rau ở Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Mê Linh, Hưng Yên... Lúc này, khách hàng vào chợ chủ yếu là dân buôn, nhà làm hàng ăn. Từ 6 giờ trở đi, khách mua buôn vãn dần, chủ yếu là người dân và sinh viên sống gần khu vực chợ tới mua.
Do giá rẻ, nhiều sinh viên cũng tranh thủ dậy sớm, vừa đi thể dục vừa mua thức ăn trong ngày. Hoàng Anh Linh, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân trọ trên đường Trương Định cho biết, Linh và 1 bạn cùng phòng trọ tối hôm trước gõ cửa từng phòng trong xóm trọ, đăng ký ăn rau gì để sáng sớm đi chợ đầu mối mua.
Theo vợ chồng Hòa-Thái, chủ sạp rau tại chợ Đền Lừ, gần đây, người mua lẻ ngày càng nhiều. Đặc biệt vào cuối tuần, khi hầu hết sinh viên, cán bộ công chức được nghỉ. Rau quả tại quầy hàng được vợ chồng Hòa-Thái thu mua từ Gia Lâm bán.
Vợ chồng anh Hội, chị Nguyệt (huyện Từ Liêm), buôn rau quả gần chục năm nay tại chợ đầu mối Dịch Vọng cho biết, nghề này thức khuya dậy sớm như nông dân, chỉ lấy công làm lãi. Từ chiều hôm trước phải đóng gói, tưới nước cho rau tươi, 4 giờ sáng vợ chồng anh Hội đã có mặt ở chợ.
Còn anh Hưng (quê Khoái Châu, Hưng Yên), chủ quầy bán mướp ở chợ Đền Lừ cho biết, đêm hôm kéo gần tạ mướp mấy chục cây số đến đây, các tiểu thương cấp 2, họ mua về bán ở các chợ cóc thường xuyên kỳ kèo, bớt 1, thêm 2, ép giá. Trong khi, người mua hộ gia đình, do mua ít, chỉ 1-2 kg, nói giá là bán, ít khi mặc cả.
Theo Nguyễn Thảo - Phạm Anh
Tiền Phong