1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đến lượt “vàng trắng” bị pha tạp chất bí ẩn

Theo Hiệp hội Caosu Việt Nam (VRA), thời gian gần đây “vàng trắng” (mủ caosu) bị pha một loại bột lạ không thể phát hiện nhưng làm giảm chất lượng mủ khiến nhiều DN bị trả hàng về, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu caosu Việt Nam trên thị trường 70 nước.

Cần lưu ý, ngành caosu có thu kim ngạch lớn, chỉ sau lúa gạo, càphê và năm nay đang đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch 3 tỉ USD.   
 
Đến lượt “vàng trắng” bị pha tạp chất bí ẩn  - 1
Nhiều DN "tẩy chay" caosu tiểu điền

Chưa có công nghệ phát hiện 

Tìm hiểu của PV, có khoảng trên dưới 10 DN xuất khẩu caosu lớn vừa bị bạn hàng nước ngoài trả hàng lại, kèm theo nhiều bức xúc cho rằng chất lượng caosu qua sơ chế không đúng như hợp đồng. Quá bức xúc, các DN đã cắt cử người theo dõi và té ngửa khi phát hiện: Thương lái sau khi thu gom mủ nước ở các vườn caosu tiểu điền về rồi pha trộn với một loại bột trắng có giá cực rẻ trước khi mang đến bán cho các nhà máy chế biến.

 

Ông Nguyễn Quang Hợp (GĐ Cty TNHH Hưng Thịnh) phải nhờ thương lái mua cho một ít chất đó để nhờ phân tích. Kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu caosu VN cho thấy chất bột trắng này không bị đốt cháy ngay khi ở nhiệt độ cao đến 550 độ C. Bột này rất mịn, khó lọc qua rây quy định, khi cán rửa trong quá trình sơ chế, có thể rửa trôi bớt, nhưng hàm lượng tro, chất bẩn còn lại vẫn quá cao so với tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, làm giảm khả năng chống chịu với sự ôxy hóa, do đó làm giảm chất lượng caosu sau khi sơ chế.

Nếu như các loại tạp chất khác như thạch cao, bột trét tường, đất sét trắng, đường, muối... chỉ làm tăng khối lượng hoặc hàm lượng caosu, thì loại bột trắng này làm cho mủ caosu bị sống ở bên trong và làm cho màu mủ caosu bị biến dạng. Ngược lại, chất bột này có thể chống đông mủ thay cho hóa chất ammoniac (rất đắt) và làm tăng hàm lượng mủ, tức là tăng thêm khoản lời rất lớn cho kẻ bán.

Điều đáng lo hơn, trước đây, việc pha trộn tạp chất khác có thể phát hiện được bằng biện pháp kiểm tra truyền thống như nướng mẫu mủ, lọc qua rây mịn. Tuy nhiên, những biện pháp này hiện không thể phát hiện bột trắng lạ nêu trên. Để phát hiện ra chất bột này, phải đưa mẫu mủ vào trong phòng lab và cần nhiều thời gian hơn. Trong khi đó, để việc mua bán, tiếp nhận “vàng trắng” trong thời buổi tranh mua hiện nay, các nhà máy thường chỉ áp dụng những cách kiểm tra thông thường, không phát hiện.

Nguy cơ lớn cho thương hiệu caosu Việt

Hiện tượng trên mới xuất hiện từ mùa cạo mủ năm nay (từ tháng 5.2011), đặc biệt thời gian gần đây, khi xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc đến các tỉnh có diện tích caosu lớn như Bình Phước, Tây Ninh v.v... bằng mọi giá thu gom tất cả các loại mủ caosu... Ông Hợp cho hay, thương lái “hé lộ” rằng chất bột trắng này do người Trung Quốc đưa sang và lén lút bán cho các thương lái, chủ vườn caosu có nhu cầu.

Theo VRA, bị trả hàng, nhiều DN buộc phải giảm giá bán hoặc chậm kế hoạch giao hàng. Điều này đồng nghĩa thương hiệu, uy tín DN tụt giảm, chưa nói kinh tế bị thiệt hại nghiêm trọng. Nguy hại hơn, không chỉ một mà có nhiều DN lớn cùng bị hiện tượng này, nếu kéo dài, sẽ dẫn tới mất tuy tín lớn cho thương hiệu caosu Việt Nam. 

Do khó phát hiện chất bột lạ, nhiều DN đã “cực đoan” tự cứu mình bằng giải pháp tẩy chay mua mủ caosu tiểu điền. Tuy nhiên việc tẩy chay này sẽ dẫn tới nguy hại khác. Bởi caosu đại điền chỉ chiếm 1/3 sản lượng mủ caosu cả nước, 2/3 còn lại là caosu tiểu điền. Nếu tiểu điền bị tẩy chay, thì thương lái Trung Quốc (đang đổ sang mua ồ ạt) sẽ thao túng được tới 2/3 sản lượng mủ caosu VN. Cần lưu ý, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu caosu lớn nhất của nước ta, chiếm gần 70%, chủ yếu là qua đường mậu biên.   

 

Theo Ngô Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm