1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đến hẹn lại tăng giá?

Các ngành tiêu thụ than lớn chuẩn bị phải đối mặt với sự thay đổi về giá than khi Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) vừa chính thức đề nghị tăng giá than 25-50% so với mức hiện hành ngay từ đầu năm 2006.

TVN cho rằng, trong năm 2005, TVN đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không điều chỉnh giá than cho 4 ngành điện, xi măng, phân bón và giấy, mặc dù các yếu tố đầu vào của sản xuất than tăng mạnh.

Theo tính toán của TVN, cả năm 2005, giá thành tiêu thụ than sẽ là 397.602 đồng/tấn, bằng 115% so với thực hiện năm 2004. Nguyên nhân do các chi phí liên quan đều tăng như hệ số bóc đất đá trên mỗi tấn than, hệ số đào lò, cung độ vận chuyển, tỷ lệ nổ mìn, khấu hao tài sản, giá xăng dầu, giá vật tư, thuế tài nguyên, lương cơ bản…

Vì vậy, ước tính, tổng chi phí tăng thêm là 65.500 đồng/tấn than, nhưng do có biện pháp quản trị tốt, nên ngành than đã giảm chi phí được 12.500 đồng/tấn.

TVN cho biết, giá than bình quân cả năm 2005 dự kiến đạt 466.567 đồng/tấn, trong đó than xuất khẩu 613.425 đồng/tấn và tiêu thụ trong nước là 329.500 đồng/tấn. Nếu tính theo chất lượng than xuất khẩu và chi phí chuyển tải, thì giá than tiêu thụ trong nước là 370.500 đồng/tấn và xuất khẩu là 426.400 đồng/tấn.

Theo đề nghị của TVN, giá than bán cho ngành điện sẽ tăng 25% so với mức hiện hành, tức là từ 290.500 đồng/tấn lên 363.000 đồng/tấn (cám 5b) và từ 316.200 đồng/tấn lên 394.000 đồng/tấn (cám 4b). Than bán vào xi măng sẽ tăng 44%, tức là từ 369.500 đồng/tấn lên 532.000 đồng/tấn. Than bán vào giấy sẽ tăng 41%, tức là từ 311.500 đồng/tấn lên 440.000 đồng/tấn. Còn than bán cho sản xuất phân lân sẽ tăng 50%, từ 614.300 đồng/tấn lên 920.000 đồng/tấn và cho đạm cũng tăng hai mức là 50% như đối với sản xuất lân và 25% tức là từ 316.200 đồng/tấn lên 394.000 đồng/tấn.

TVN cũng cho biết, mức giá trên chỉ đảm bảo bù đắp chi phí. Nếu để có lợi nhuận phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường như chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 4663/VPCP-CN (ngày 11/10/2000), thì giá bán than vào 4 ngành tiêu thụ lớn năm 2006 phải tăng 31-57%.

Trao đổi với báo chí về đề nghị tăng giá than từ năm 2006 cho 4 hộ tiêu thụ lớn, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN chưa nhận được thông báo nào từ phía TVN.

Hiện tại, sản lượng nhiệt điện chạy bằng than mỗi năm của EVN từ 8 đến 10 tỷ kWh và năm 2006 chắc chắn sẽ tăng thêm do Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng đi vào hoạt động. Hiện mỗi kWh điện cần từ 0,5 đến 0,7 kg than. Năm ngoái, khi mỗi tấn than dự kiến tăng thêm 5.000 đồng, EVN dự tính sẽ bị “đội” chi phí (riêng về than) thêm 20 tỷ đồng.

Còn ông Bùi Quang Lanh, Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển cho rằng, trong tình hình thiên tai như hiện nay, việc tiêu thụ phân bón hết sức khó khăn. Nếu than tăng giá, chắc chắn giá phân bón sẽ tăng và cuối cùng chỉ có nông dân chịu thiệt. Ông Lanh cho biết, với mặt bằng giá cả hiện nay và nhất là sau cơn bão số 7 vừa qua, sức tiêu thụ phân bón tại một số vùng sẽ giảm.

Việc các ngành công nghiệp đang sử dụng than đều “than khó” trước đề nghị tăng giá than của TVN từ ngày 1/1/2006 xem ra cũng không đáng ngạc nhiên, bởi ngành nào cũng coi trọng lợi ích kinh tế của mình.

Theo một chuyên gia tài chính, việc xử lý mối quan hệ giữa người mua và người bán để thị trường không bị xáo trộn lớn cần làm từng bước một; nếu cứ ghìm lại rồi cuối cùng “đột ngột” tăng giá sẽ gây ra những tác động không mong muốn cho cả nền kinh tế.

Trong trường hợp của ngành than, chuyên gia này cho rằng, nên tận dụng lợi thế than có giá trên thị trường xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong những lúc khó khăn thông qua thuế xuất khẩu, bởi than cũng là một loại khoáng sản không tái tạo lại được.

Mặt khác, trong điều kiện thực tế khi ngành than đang hoạt động theo mô hình có tính độc tôn, độc quyền bán, thì các bộ, ngành không thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề giá than cho các hộ tiêu thụ lớn, dù đây là mặt hàng không bị quản lý về giá.

Theo Thanh Hương 
Báo Đầu tư