Đề xuất giảm mạnh chỉ tiêu kinh tế 5 năm
(Dân trí) - Sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, Thường vụ Quốc hội nhận định, nhiều chỉ tiêu sẽ không đạt được kế hoạch đề ra và cho rằng, cần trình Quốc hội phương án điều chỉnh.
Trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, Ủy ban Kinh tế cho rằng, diễn biến kinh tế - xã hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt và có khả năng sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Theo đó, nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%).
Cần có các mục tiêu cụ thể mới có thể có các phương án sát sườn.
Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN lại có sự cải thiện rõ rệt.
Số liệu thống kê mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, ngoài Việt Nam chỉ có Brunei (từ 3,4% năm 2011 xuống 0,9% năm 2012) và Singapore (từ 5,2% năm 2011 xuống 1,3% năm 2012) là có sự sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một số nước có chuyển biến khá tích cực là Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012)...
Phát biểu trước Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần phải báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh chỉ tiêu.
Đồng ý rằng cần đề nghị Quốc hội thông qua điều chỉnh chỉ tiêu, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, khi điều chỉnh chỉ tiêu quan trọng là chỉ tiêu cụ thể. Bởi, chỉ với những mục tiêu cụ thể sát sườn thì mới có thể có những giải pháp phù hợp.
Ông Hiển cho rằng, ngay trong 9 tháng đầu năm 2013 thì tính ổn định của nền kinh tế chưa cao, các chỉ tiêu đạt được và chưa đạt được còn xen kẽ.
Còn về 3 khâu đột phá, theo ông Hiển, chỉ có thể lạc quan về tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khăn hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đưa ra góp ý, việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian vừa qua là quá đột ngột và đã để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Theo ông, nếu năm 2011, tăng trưởng tín dụng trên 30% thì năm tiếp sau cần giảm dần dần xuống 20% và 15%... Do siết tín dụng đột ngột giữa bối cảnh 70% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế phụ thuộc vào vốn vay đã lâm vào tình trạng điêu đứng, đến khi nâng tín dụng lên thì lại không còn có khả năng hấp thụ.
Về phía Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu dẫn một số ý kiến nhận định, nguyên nhân tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay là do đã quá thiên về ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong 3 năm qua và thắt chặt quá mức các nguồn lực cho tăng trưởng.
Tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu ngân sách khó khăn là kết quả tất yếu vì tổng cầu bị thu hẹp một cách đột ngột và cơ học; tình trạng này nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô trong trung hạn.
Vì vậy, cần có sự thay đổi định hướng chính sách, trong khi đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh thì phải tăng tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, sớm phục hồi tổng cầu bằng việc gia tăng đầu tư để nền kinh tế tăng trưởng cao trở lại, khi đầu tư tư nhân phục hồi sẽ giảm đầu tư công.
Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng giai đoạn 2011-2015: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tăng khoảng 6,5%-7%. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 33,5%-35% GDP. Giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015. Bội chi ngân sách nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ). Năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29%-32% so với năm 2010. Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22%-23% GDP/năm. Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015. |
Bích Diệp